Hoạt động kinh doanh, khai thác căn hộ, khách sạn tại miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. |
Khó khăn bủa vây
Gần 2 tháng nay, Công ty cổ phần Đồng Hành Goldman (đơn vị vận hành, khai thác xe du lịch limousine, cũng như cho thuê căn hộ dịch vụ tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã tạm dừng hoạt động. CEO Trần Đăng Huy cho biết, anh buộc phải cho nhân viên tạm nghỉ việc do khách thuê căn hộ do Đồng Hành quản lý đã trả phòng, về quê.
“Đây là việc bất đắc dĩ, bởi không có khách thuê thì nguồn thu không có, việc làm không có, nên Công ty phải cho nhân viên tạm nghỉ việc, đến khi tình hình tốt hơn sẽ đi làm trở lại”, ông Huy cho biết.
Tại khu FPT City (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), ông Trần Xuân Hiếu, CEO của Công ty cổ phần Bất động sản Làm Tử Tế (LTT Land) cho biết, nhu cầu thuê căn hộ tại khu FPT City cũng như khu vực quận Ngũ Hành Sơn trong 2 tháng gần đây gần như không có.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì thu phí 200.000 đồng/tháng/căn hộ cho thuê, chủ yếu là để thay mặt chủ nhà xử lý, khắc phục sự cố khi căn hộ xảy ra vấn đề hoặc do khách thuê yêu cầu. Các hợp đồng này chủ yếu là hợp đồng dài hạn được khách hàng ký kết từ năm trước, chứ không phải sau Tết”, ông Hiếu cho biết.
Trong khi đó, lĩnh vực khai thác, vận hành khách sạn cũng bị ảnh hưởng tương đối nặng nề. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cũng như tại miền Trung, đã tạm ngừng đón khách và đóng cửa.
Ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc Khách sạn Easy Tiger Hostel (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, từ ngày 17/3, tỉnh Quảng Bình đã có chỉ thị tạm ngừng hoạt động các cơ sở lưu trú trên địa bàn, do vậy đơn vị đã tạm đóng cửa. Cũng như nhiều đơn vị khác, Easy Tiger cho nhân viên nghỉ việc không lương. Dẫu vậy, việc tạm ngừng hoạt động đã kéo theo nhiều gánh nặng cho đơn vị này.
“Mặc dù cho nhân viên nghỉ, nhưng tiền thuế, tiền bảo hiểm hàng tháng vẫn phải đóng đầy đủ, chậm đóng là đơn vị phải phải nộp phạt. Trong khi đó, tiền thuê khai thác khách sạn thì đơn vị đã phải đóng trước cho chủ khách sạn”, ông Ngọc nói.
Mong nhận được hỗ trợ từ ngân hàng, chính quyền
Theo ông Nguyễn Ngọc, mặc dù Chính phủ và địa phương đang kêu gọi các ngân hàng tiến hành khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song việc triển khai trên thực tế mới chỉ được thực hiện ở một số ngân hàng lớn. Còn các ngân hàng thương mại nhỏ thì vẫn chưa có chính sách mới.
“Hiện khách sạn không hoạt động, nhưng đơn vị vẫn phải thanh toán tiền khai thác, vận hành cho chủ đầu tư hơn 1 tỷ đồng/năm. Đơn vị đã có ý kiến mong chủ đầu tư xem xét lại, nhưng cũng khó, vì tiền đầu tư hạ tầng, mặt bằng khách sạn, họ cũng phải vay ngân hàng để đầu tư, mà ngân hàng lại chưa có chính sách giảm lãi suất vay hay giãn nợ cho họ”, ông Ngọc cho biết.
Về phần mình, ông Trần Đăng Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Hành Goldman chia sẻ: “Hàng quý, phí thuê phải trả cho chủ căn hộ gần 50 triệu đồng, lãi vay ngân hàng cũng phải trả đều hàng tháng, trong khi việc khai thác, vận hành bị tạm ngừng do dịch Covid-19. Chúng tôi, những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, rất mong nhận được sự chia sẻ từ các ngân hàng, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp có thể trụ vững và hồi sinh sau khi dịch kết thúc”.