Ông Trương Gia Bình |
Cuộc cách mạng mới
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 3/6 tới, ông Trương Gia Bình sẽ điều hành phiên chuyên đề “Kinh tế số: Làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế ảo?”, một chuyên đề có vị thế bao trùm trong 10 chuyên đề của Diễn đàn.
Theo ông Bình, thuật ngữ “kinh tế số” (digital economy) là thuật ngữ mới, cũng giống như thuật ngữ “cách mạng số”,“cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”… đều có nội hàm nói về một cuộc cách mạng “long trời, lở đất” thay đổi diện mạo của thế giới, thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và giao tiếp.
“Các chuyên gia dự báo rằng, thế giới ảo và thế giới thật sẽ là một. Mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số, tổ chức số, mọi nhà lãnh trở thành nhà lãnh đạo số, mọi ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành doanh nghiệp số. Đó là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh. Dự kiến, năm 2017, các nước sẽ sử dụng ô tô phanh tự động và năm 2025, sẽ có thành phố không có đèn giao thông”, ông Bình cho biết.
Lâu nay, CNTT chỉ là phương tiện sử dụng trong các hoạt động của con người, thì trong cuộc cách mạng này, CNTT trở thành phương thức kinh doanh chưa từng có với những công ty tiêu biểu như Uber, một hãng taxi lớn nhất thế giới, nhưng không có chiếc taxi nào, như Airbnb là nhà cung cấp dịch vụ khách sạn lớn nhất thế giới, nhưng không có một mét vuông khách sạn…
Kinh tế số đang đóng góp khoảng 3 - 4% cho GDP ở các nước phát triển và tỷ lệ này đang tăng rất nhanh. Thay vì cần nhiều thập kỷ để khởi nghiệp và dựng nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ truyền thống, ngày nay, những cái tên Google, Yahoo, Amazon, Ebay, Facebook, My space, Youtube... đang thống trị nền kinh tế số, đã chứng minh chu kỳ phát triển rút ngắn trong ngành kinh tế số.
Việt Nam cũng đang có sự khởi đầu thuận lợi trong cuộc cách mạng này. Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia “Đột phá” (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Philippines), đang cải thiện mức độ sẵn sàng số của mình nhanh chóng.
Một số start-up của các doanh nhân gốc Việt đã được các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới chi hàng tỷ USD để mua lại, chứng tỏ Việt Nam rất có tiềm năng. Đó là Misfit của doanh nhân Sonny Vũ, được tập đoàn sở hữu những thương hiệu đồng hồ danh tiếng Fossil Group mua lại với giá 260 triệu USD; đó là Bill Nguyễn bán lại Onebox giá 850 triệu USD; là Dung Tấn Trung sở hữu On Display sau khi OPO tại Mỹ đã bán lại giá 1,8 tỷ USD…
“Bản thân kinh tế số là không biên giới. Ở Việt Nam, các hãng công nghệ lớn nhất thế giới đều đã có mặt, vấn đề là có công ty Việt Nam nào tham dự vào cuộc cách mạng này hay không. Chúng tôi vô cùng mong muốn vì đây là một cơ hội của doanh nghiệp Việt để thay đổi vị thế đất nước, cũng như vị thế của ngành công nghiệp CNTT”, ông Bình chia sẻ.
“Thế hệ trẻ hãy 3S”
Muốn hòa nhập vào nền kinh tế số, vào cuộc cách mạng công nghệ mới, yếu tố then chốt chính là nguồn nhân lực. Theo ông Bình, tại một quốc gia có thế mạnh về công nghệ như Mỹ, người đứng đầu quốc gia này cũng đã đưa ra lời kêu gọi: “Nếu muốn nước Mỹ luôn ở vị trí dẫn đầu thế giới, thì chúng ta cần những bạn trẻ người Mỹ phải cực kỳ giỏi sử dụng công cụ và các công nghệ, thứ sẽ giúp thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ”.
“Tôi nghĩ là nhiều bạn trẻ chưa sẵn sàng, dù thế hệ Millennial (1982 - 2000) sinh ra với Internet, họ sống trong một thế giới mới mà Nguyễn Hà Đông là một điển hình. Họ giao tiếp khác, suy nghĩ khác, tương tác khác…Vậy làm thế nào để thanh niên Việt Nam trở thành một thế hệ mới phù hợp với thế giới số? Sẵn sàng số với thanh niên Việt Nam là việc sẵn sàng nắm vững các công nghệ mới như S.M.A.C, IoT. Mỗi người phải có năng lực sáng tạo và phải có bản sắc của mình. Những người trung bình sẽ không có công việc trong tương lai. Chỉ có những người khác biệt mới có việc làm. Tôi mong muốn trong tương lai mỗi người trẻ là một doanh nghiệp số”, ông Bình tâm sự.
Về phía các doanh nghiệp, đã có dự báo rằng, các doanh nghiệp không sẵn sàng số sẽ biến mất. Nhưng bảo rằng các doanh nghiệp phải làm gì thì câu trả lời không đơn giản. Tuy nhiên, FPT là một ví dụ khá sinh động. Tại tập đoàn công nghệ tư nhân lớn nhất Việt Nam này, hàng quý tổ chức hội thảo khoa học và mời tất cả những người có ý tưởng mới để trả lời các câu hỏi: Thế giới đang làm gì? Mô hình kinh doanh số nào thành công...