Nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa. |
Nối lại sức mua
Ngày 1/10/2021, một trong 3 cửa hàng đồ uống thương hiệu The Bunny tại TP.HCM đã mở cửa trở lại để phục vụ người tiêu dùng sau 120 ngày giãn cách. Sau cửa hàng The Bunny Hà Đô, chủ sở hữu hệ thống này sẽ lần lượt mở lại 2 cửa hàng còn lại là The Bunny Minh Khai và The Bunny Phạm Ngọc Thạch.
Sự trở lại này mang nhiều ý nghĩa, dù chỉ bán hàng mang về, nhưng là khởi đầu cho sự hồi phục sức cầu tại khu vực thị trường có sức tiêu dùng lớn nhất nước này.
Ông Nguyễn Đình Tùng, đồng sáng lập chuỗi The Bunny chia sẻ, The Bunny cung cấp đồ uống đa dạng từ nguyên liệu là các loại nông sản Việt, đồng nghĩa với cửa hàng mở lại sẽ tăng tiêu thụ cà phê và nhiều loại nông sản khác cho khu vực sản xuất, cùng kích cầu thị trường nội địa trong bối cảnh bình thường mới.
Hồi phục sức cầu là mong mỏi của các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ, nhất là tại khu vực phía Nam, sau nhiều tháng giãn cách phòng chống dịch. Sức mua của thị trường nội địa 2 tháng qua đã chứng kiến sự giảm tốc chưa từng thấy, do người tiêu dùng chỉ tiêu dùng mặt hàng thiết yếu đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 chỉ đạt 279.800 tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng 7 và giảm 33,7% so với cùng kỳ. Sang tháng 9, tình hình được cải thiện hơn khi doanh thu tăng 6,5% so với tháng 8, nhưng vẫn giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367.700 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách, các doanh nghiệp cũng phải theo dõi sát diễn biến sức mua thị trường hơn, bởi dịch bệnh khiến việc làm giảm, thu nhập giảm, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên sẽ có những ngành hàng chưa thể hồi phục doanh số.
Kỳ vọng mùa tiêu dùng cuối năm
Tại Hội nghị Kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương tổ chức tuần qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ông Võ Trí Thành cho biết, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch trong các tháng cuối năm và đầu năm 2022.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm”, ông Thành kỳ vọng.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, xác định thị trường trong nước là giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, tuân thủ và thực hiện thống nhất, xuyên suốt theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng mình gây cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công thương là làm sao để các địa phương giữ được hệ thống phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Nhờ đó, đảm bảo ổn định lưu thông hàng hoá.
“Thời điểm này, nhiều địa phương bước đầu khống chế được dịch cũng dần mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhằm tiếp tục ổn định cung cầu hàng hoá, bước quan trọng để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích cầu mua sắm”, ông Hải nói.
Đồng thời, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.