Trên cương vị “thuyền trưởng” đại diện cho tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, ông có thể chia sẻ tầm nhìn của HUBA trong nhiệm kỳ mới?
Đây là một thời điểm rất đặc biệt. Chưa khi nào, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành lại có những quyết sách tập trung nhiều cho doanh nghiệp như lúc này. Đó là thuận lợi, thời cơ rất lớn, nhưng cũng là sức ép cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp và Hiệp hội không sẵn sàng chủ động để hội nhập, thì chắc chắn sẽ thất bại.
Với HUBA, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển hội viên, động viên tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ, năng lực quản lý, phát hiện và tận dụng cơ hội trong khó khăn. Lấy thí dụ, TP.HCM đang gặp các thách thức như ùn tắc giao thông, ngập lụt…, nếu nhìn ở góc độ tiêu cực sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của họ. Nhưng nếu nhìn ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có thể xem đây là cơ hội, là thị trường để có thêm việc làm, có nhiều dự án đầu tư với các sản phẩm mới nhằm giải quyết các thách thức đó.
Ông Chu Tiến Dũng, tân Chủ tịch HUBA |
Chính phủ đã đưa ra mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, còn chính quyền TP.HCM phấn đấu phải có 500.000 doanh nghiệp. Ông chia sẻ thế nào về những con số này?
Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển cũng phải có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, hoạt động hiệu quả. Việc đặt ra các con số trên là có cơ sở. Thứ nhất, tiềm năng thị trường Việt Nam không hề nhỏ, với hơn 93 triệu dân; Thứ hai, vị trí địa lý, tình hình chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; Thứ ba, nền tảng công nghệ thông tin phát triển cho phép các doanh nghiệp ra đời và kinh doanh một cách dễ dàng hơn.
TP.HCM hiện có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, sẽ được tạo mọi điều kiện để họ chuyển thành doanh nghiệp. Theo tôi, những con số cụ thể như 1 triệu hay 500.000 chỉ nói lên một điều, đây là đích để phấn đấu. Vì giá trị lớn nhất là phải định hướng để mọi lực lượng trong xã hội cùng phấn đấu tạo ra nhiều doanh nghiệp mạnh, đủ sức đóng góp cho nền kinh tế. Nhưng, cần lưu ý, thách thức không đến từ số lượng mà phải là chất lượng. Nghĩa là, TP.HCM muốn có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 thì ít nhất phải có 500.000 CEO thực thụ, đủ trình độ, kinh nghiệm, trải nghiệm để cạnh tranh trong môi trường quốc tế, chứ không chỉ trong nước. Đó mới là thách thức lớn nhất.
Là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn, HUBA sẽ thể hiện vai trò của mình ra sao trước thách thức đó?
Hiệp hội đang xây dựng các chương trình hành động cụ thể, trong đó chú trọng đào tạo các CEO cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình hội nhập quốc tế, liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp ở các quốc gia để mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh.
Hiệp hội luôn đặt mục tiêu lấy hiệu quả làm gốc, không chạy theo phong trào chung chung, sáo rỗng, tập trung vào từng vấn đề để giải quyết và có thước đo để đánh giá hiệu quả cho từng hoạt động. Phải gắn kết, hiểu từng hội viên rằng, họ đã làm được gì, năng lực tới đâu, khó khăn gì, cần tháo gỡ chỗ nào. Doanh nghiệp trông mong gì ở Hiệp hội, thì Hiệp hội phải làm được cái đó. Ví dụ, sắp tới, Hiệp hội sẽ đưa vào chương trình giám sát thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hoặc Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 1/8/2016 của UBND TP.HCM, để tìm hiểu và giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp khi làm việc với các sở, ngành. Từ đó, chúng tôi sẽ lập danh sách cụ thể từng đơn vị, từng vướng mắc để báo cáo UBND Thành phố. Hiệp hội và doanh nghiệp đồng hành thực hiện chương trình giám sát, từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với vai trò là Chủ tịch của HUBA, ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để tạo thêm thuận lợi cho hội viên?
Thực ra, điều mong muốn, khát vọng nhất đối với HUBA và doanh nghiệp thành viên là những quyết sách của Chính phủ đã đưa ra được thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tôi không muốn thấy cảnh doanh nghiệp cứ bị “hành” về thuế, hải quan… Doanh nghiệp phải là đối tượng để cơ quan nhà nước phục vụ, chứ không chỉ là để quản lý. Tư duy này được triển khai trên thực tế thì quá tuyệt vời.
Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề như tham khảo ý kiến doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Tôi lấy thí dụ các hiệp định thương mại rất ít tiếng nói, đóng góp của doanh nghiệp, trong khi họ mới chính là đối tượng thực hiện hiệp định. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không chuẩn bị kịp, hoặc tham gia trong thế bị động.
Không chỉ vậy, văn hóa cộng đồng của chúng ta hiện thấp hơn các nước rất nhiều. Cụ thể, trước một vấn đề xã hội có rất ít doanh nghiệp tham gia thảo luận, bàn bạc giải quyết cùng nhau. Tính tự giác, tôn trọng nền tảng chung để phát triển còn rất thấp. Đó cũng là điều mà HUBA mong muốn cải thiện nhằm xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn, bình đẳng và hiệu quả hơn.