Đầu tư
Doanh nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế của Đồng Tháp
Huy Tự - 24/10/2022 10:29
“Càng đồng hành, thấu hiểu, càng trân trọng, tri ân những nỗ lực, đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”. Đó là chia sẻ chân tình của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại buổi Họp mặt doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 5 từ trái sang) vinh danh và chúc mừng các doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp năm 2022

Tạo thêm nguồn lực và giá trị cho nền kinh tế

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 4.700 doanh nghiệp. Riêng 9 tháng đầu năm, tỉnh có thêm 570 doanh nghiệp thành lập mới, 155 doanh nghiệp tái hoạt động; GRDP 9 tháng đầu năm tăng 9,37% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.

Những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực xây dựng các mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Điểm hẹn doanh nhân”, “Ngày thứ Sáu nghe dân nói”... nhằm hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn. Đồng thời, phát động chương trình khởi nghiệp hướng đến xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”. Chương trình đã lan tỏa trong cộng đồng, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời tận dụng, phát huy nguồn tài nguyên bản địa, hướng đến đổi mới, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Đồng Tháp luôn đồng hành, chia sẻ và kiến tạo phát triển cùng doanh nghiệp

Trong 5 năm qua, Đồng Tháp có trên 2.600 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 12.840 tỷ đồng. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập, vốn đầu tư là 4.248 tỷ đồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi tự hào khi được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp đạt thứ hạng cao trong suốt 14 năm qua. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực đồng hành và cũng là những thách thức, trăn trở, làm thế nào để phục vụ tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.

Đồng Tháp xác định, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025; xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành và kiến tạo phát triển bền vững cùng địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thật sự lan tỏa và mang đến nhiều hướng đi mới cho các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn, khai thác lợi thế của gần 40 làng nghề, sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm, cùng chiến lược khơi dậy tinh thần lập nghiệp trong thế hệ thanh niên, tạo nguồn lực cho phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân…

Phát biểu tại buổi Họp mặt doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, trong thành tựu chung của tỉnh, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cảm ơn các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, chung sức với chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19; vươn lên phát triển, thu được những kết quả đáng mừng về kinh doanh.

Khẳng định quan điểm: “Phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025; xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. 

Vừa qua, Đồng Tháp đã ban hành Đề án Chuyển đổi số với mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, làm cho bộ máy công quyền ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng, chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết những vấn đề về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành và mở ra những mô hình, phương thức kinh doanh mới, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

“Đồng Tháp rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo con đường ngắn nhất để đưa Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững”. Đó cũng là thông điệp và lời nhắn gửi chân tình mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gửi gắm đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hướng về Đồng Tháp

Trước sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ của tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, quỹ đầu tư đã đến trao đổi và chia sẻ các ý tưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các lĩnh vực được doanh nghiệp đề xuất gồm chế biến trái cây, nông sản phụ phẩm nông nghiệp; chợ đầu mối, trung tâm phân phối nông sản hiện đại; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; trung tâm cơ khí, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp; du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng; khu dân cư đô thị cao cấp…

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với đại diện Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt, gồm khoảng 500 thành viên là các doanh nhân tiêu biểu từng đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với Đồng Tháp về lĩnh vực khu đô thị du lịch, khu dân cư cao cấp kết hợp sinh thái, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, xử lý rác thải…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự quan tâm của các thành viên Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt và cho biết, tỉnh sẽ sớm cung cấp thông tin các dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp chế biến, thương mại biên giới, đô thị, khu dân cư... Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt về cách làm, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong tương lai.

Cũng với tinh thần cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp góp ý về cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK), ngày 14/10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKTCK.

KKTCK tỉnh Đồng Tháp có diện tích 31.936 ha, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 3 cửa khẩu phụ.

Theo các doanh nghiệp, cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành đối với KKTCK được áp dụng giống như địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chưa có tính đặc thù, nên chưa tạo được sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào KKTCK trên địa bàn tỉnh...

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Đồng Tháp xem kinh tế cửa khẩu là động lực để phát triển trong thời gian tới và tỉnh cũng ban hành nghị quyết để vực dậy KKTCK. Đồng Tháp sẵn sàng đi tiên phong trong mọi lĩnh vực để tạo động lực phát triển KKTCK. Tỉnh mong muốn lắng nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư để trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách phù hợp”.

Hạ tầng được đầu tư bài bản; có cơ chế, chính sách đặc thù cho KKTCK, miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư, tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho KKTCK... Theo các doanh nghiệp, nếu giải quyết được các vấn đề này, nhất là hạ tầng, thì sẽ thu hút mạnh đầu tư vào KKTCK.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Đỏ cho rằng, để phát triển KKTCK, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, nên tỉnh cần làm việc với các bộ, ngành Trung ương tìm nguồn hỗ trợ; kết nối trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng phát triển tại KKTCK.

Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland chia sẻ, qua sự mời gọi của tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu môi trường đầu tư tại địa phương, đầu năm 2022, NovaGroup và UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh An Giang đã ký kết Biên bản Hợp tác phát triển Dự án Mekong Smart City. NovaGroup đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển KKTCK, chuyển giao cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp và mời gọi các đối tác phát triển dự án. Qua làm việc với đối tác, doanh nghiệp thấy rằng, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt về hạ tầng, thuế, cơ chế hình thành trung tâm logistics, du lịch... để tạo đòn bẩy, thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng hợp lực phát triển.

Hiện Novaland đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương cho triển khai thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án trong giai đoạn 2022 - 2025 gồm: khu đô thị thông minh, khu du lịch làng nghề, khu đô thị 250 ha tại cồn Chính Sách và cảng biển Mekong (Thường Phước)...

Sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo cơ hội cho du lịch Đồng Tháp phát triển, tăng tốc trong những năm tới, đặc biệt là du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch làng nghề gắn với sản phẩm OCOP và du lịch đường thủy, khai thác vẻ đẹp của sông Tiền, sông Hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong ghi nhận, cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của doanh nghiệp và mong muốn, trong quá trình tiếp cận đầu tư tại KKTCK, doanh nghiệp sẽ cung cấp thêm các thông tin hữu ích để tỉnh có được những tham mưu chính sách tốt hơn nhằm vực dậy và phát triển KKTCK.

Ngày 19/10 vừa qua, Đồng Tháp đưa vào vận hành Nhà máy Xay xát gạo tại huyện Lấp Vò. Đây là dự án do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) và Tập đoàn SunRice (Australia) cùng đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Dự án sẽ góp phần nâng giá trị chuỗi lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường của nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

 Thượng nghị sỹ Tim Ayres, Bộ trưởng Thương mại và Sản xuất Australia cho biết, Dự án sẽ khuyến khích các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất lúa gạo áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, Dự án sẽ thành lập một trung tâm tiên tiến về quy trình xay xát và chế biến sau thu hoạch tại Nhà máy Lấp Vò. Đây là nơi để các cán bộ, sinh viên Trường đại học An Giang nghiên cứu và chia sẻ tri thức trong lĩnh vực xay xát lúa gạo, hướng trí thức trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp ngay tại quê hương. Đồng Tháp cũng là một trong 3 tỉnh (cùng với An Giang, Kiên Giang) có hoạt động của dự án này.

Tin liên quan
Tin khác