Doanh nghiệp
Đồng Tháp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Trúc Giang - 13/10/2022 08:32
UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá để hạn chế tác động đến cung cầu xăng dầu trên thị trường.

Ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn đã ký Công văn số 1078/UBND-KT gửi Bộ Công thương báo cáo tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tại Công văn nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 thương nhân đầu mối, 26 thương nhân phân phối xăng dầu (44 thương nhân trong tỉnh và 22 thương nhân phân phối ngoài tỉnh), tham gia cung cấp xăng dầu cho 515 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong tỉnh.

Trong thời gian qua, dưới sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của dịa phương.

Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh_ Petimex

Tuy nhiên, hiện nay Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận đơn của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm ngưng hoạt động. Qua kiểm tra, xác minh ban đầu, các cửa hàng nêu lý do tạm ngưng là khó khăn nguồn vốn, tỷ lệ chiết khấu thấp, kinh doanh thua lỗ, nên chuyển nhượng cửa hàng cho doanh nghiệp khác. UBND Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục xác minh thêm để làm rõ nguyên nhân, phản hồi doanh nghiệp và xử lý theo quy định.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, qua rà soát, có một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể là: Kỳ điều hành giá xăng dầu, theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định: “Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên Đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”. Tuy nhiên, điều này khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung và tạo ra tâm lý hạn chế nhập hàng hoặc găm hàng gây bất ổn cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động.

Mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ khó có thể duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Do giá cả thường xuyên biến động nên tại một số thời điểm, doanh nghiệp nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ chiết khấu thấp (có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng hoặc chiết khấu âm), trong khi phải chi trả các chi phí vận chuyển, lương nhân viên, điện,… gây áp lực cho các cửa hàng khi duy trì hoạt động. Nhiều cửa hàng bị thâm hụt vốn, có doanh nghiệp báo khó khăn về nguồn vốn để hoạt động buộc phải đóng cửa để cắt lỗ nên ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới cùng với mức chênh lệch chi phí nhập khẩu thực tế so với mua từ nhà máy trong nước chệnh lệch khá cao, từ đó các thương nhân đầu mối hạn chế nhập khẩu, tập trung mua hàng từ nhà máy trong nước, dẫn đến việc thương nhân đầu mối hạn chế cung cấp cho các thương nhân phân phối (cung cấp theo định mức). Đồng thời, chiết khấu cho các thương nhân phân phối giảm nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và việc cung cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ có lúc bị gián đoạn.

Các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng như: phí vận tải, phí vận chuyển, các chi phí cấu thành giá thành cơ sở. Để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các chi phí (trong đó có mức chiết khấu cho các doanh nghiệp phân phối), kéo theo doanh nghiệp phân phối cắt giảm mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết), để hạn chế tác động đến cung cầu xăng dầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, ghi nhận các khoản chi phí, phụ phí xăng dầu (nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc hóa dầu trong nước về tới kho của doanh nghiệp đầu mối), các chi phí đầu vào liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, nghiên cứu tỷ lệ chi phí định mức cho các doanh nghiệp phân phối, cửa hàng bán lẻ vào cơ cấu giá thành cơ sở, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và tính đúng, tính đủ theo giá hiện hành, hỗ trợ các doanh nghiệp bù đắp chi phí kinh doanh và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Tin liên quan
Tin khác