Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Chuyển đổi số của tỉnh Ảnh: Văn Khương |
Nhóm dẫn đầu cả nước
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Nhờ vậy, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi trên tất cả các nội dung, nhiệm vụ về cải cách hành chính.
Một trong những kết quả rất đáng ghi nhận là Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa công bố, Đồng Tháp xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, nối dài thành tích 14 năm liên tiếp nằm trong Nhóm 5 và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong Nhóm 3 tỉnh/thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”. Trong đó, kết quả điều tra đánh giá Đồng Tháp là địa phương có cán bộ nhà nước thân thiện với tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý cao nhất (trên 95%), cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố và Chỉ số Chi phí không chính thức tăng liên tục trong 5 năm gần đây, riêng trong năm 2021 đạt 8,11 điểm - mức cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
- Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Đối với Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tỉnh Đồng Tháp cũng có những điểm sáng, như công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính (chỉ số thành phần của Chỉ số PAR) và Chỉ số Quản trị môi trường (chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI) đều xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố; công tác cải cách thủ tục hành chính (chỉ số thành phần của Chỉ số PAR) xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 hạng so với năm 2020; một số nội dung khác cũng có những cải thiện đáng kể. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đã động viên, khích lệ để tỉnh thêm tự tin trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua.
Nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính
Đối với nhiệm vụ thực thi thủ tục hành chính, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, khả thi, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện công tác này, như chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá thủ tục hành chính ở cả 3 cấp để đề xuất đơn giản hóa hoặc rút ngắn thời hạn thực hiện, nhất là các thủ tục có vướng mắc, bất cập liên quan tới người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kể cả thường xuyên và đột xuất, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tăng cường tập huấn, hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, rà soát tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Nhờ đó, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn, trước hạn năm 2021 đạt 99,45%; tỷ lệ quá hạn, trễ hạn ngày càng giảm. Tính công khai, minh bạch không ngừng được cải thiện. Trách nhiệm của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trong việc giải trình, giải thích việc thực thi pháp luật cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và thực hiện ngày càng được chú trọng. Việc phối hợp thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được tăng cường. Thông qua hoạt động kiểm tra đã giúp cho công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thuận lợi, hiệu quả. Kết quả rà soát thủ tục hành chính trong năm 2021 đạt 30% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, với 678 thủ tục, đảm bảo đúng theo tiến độ kế hoạch đề ra. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tiếp tục được kiện toàn và khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đảm bảo các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai hoàn thiện chức năng ký số kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Hệ thống thông tin một cửa điện tử, đảm bảo 100% thủ tục hành chính có kết quả đầu ra được cấu hình ký số. Hoàn thành cung cấp chứng thư số cho 100% lãnh đạo, 100% chứng thư số tổ chức cho cơ quan hành chính nhà nước có tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính các cấp. Tích hợp, cung cấp được hơn 888 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 50% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh... Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy, việc thực thi thủ tục hành chính tại tỉnh đã đi vào nền nếp và cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Không tự mãn
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, để công tác cải cách hành chính tiếp tục gặt hái thành công, tỉnh luôn quán triệt tinh thần không tự hài lòng với kết quả đạt được; luôn động viên, khuyến kích để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng phương châm “Cam kết xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính, trọng tâm là triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn nữa, nâng cao và hướng đến sự hài lòng cao nhất của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch hành chính. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thuận lợi, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các mô hình cải cách thủ tục hành chính đã triển khai và được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ như Mô hình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp; Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022; Đề án Thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công; triển khai ứng dụng e-DongThap để người dân tham gia khai thác dịch vụ trên nền tảng công nghệ số; Mô hình Kết hợp dịch vụ công trực tuyến gắn với bưu chính công ích; Mô hình Công dân không viết gắn với dịch vụ công trực tuyến…
Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; xây dựng văn hóa ứng xử trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn cá nhân, tổ chức các cách thức tra cứu tình trạng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cũng như đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác chuyên môn để hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ bị hủy, bị trả, giảm thời gian và chi phí đi lại của người dân.
Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm trong xây dựng Chính quyền số là triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng; hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng lộ trình; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.