Doanh nghiệp
Doanh nghiệp linh hoạt ứng biến để chớp cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ
Thế Hải - 25/09/2018 09:12
Bộ Công Thương nhận định, xung đột thương mại Mỹ-Trung nhằm hạn chế xuất khẩu bằng cách áp thuế cao với nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhưng không thể cho rằng, ngay lập tức họ sẽ quay sang Việt Nam tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý, cơ hội với Việt Nam chưa rõ ràng trong cuộc chiến này, trong khi thách thức thấy rõ hơn từ hoạt động truyền tải, khó khăn hơn trong xây dựng chuỗi cung ứng đầu cuối.

Có cơ hội nhưng chưa rõ ràng

Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ được nhận định là khá cứng rắn, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ trở thành bài toán đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Là thị trường hấp dẫn nhất trên thế giới, chiếm hơn 17% tổng GDP toàn cầu, dân số 326 triệu người, dù chỉ bằng 1/3 Ấn Độ và Trung Quốc nhưng các nước đều nhắm đến và coi đây là thị trường chủ lực để xuất khẩu hàng hoá.

Theo số liệu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Mỹ là thị trường lớn của tất cả các quốc gia xuất khẩu dệt may, trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng 2018, Mỹ đã chi 55,43 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa dệt may từ nhiều nhà cung ứng, gồm: Trung Quốc, Băngladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam.... Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018, Liên minh châu Âu nhập 128,8 tỷ USD hàng dệt may, Nhật Bản gần 17 tỷ USD, Hàn Quốc 7,2 tỷ USD...

Với mức chi hàng năm trên 100 tỷ USD nhâp khẩu hàng dệt may, rõ ràng, Mỹ là thị trường mà các nhà xuất khẩu ngành hàng này đều mong muốn gia tăng được thị phần xuất khẩu.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, chính sách thương mại của Mỹ đối với các đối tác trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới là sẽ rất cứng rắn.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và là thị trường quan trọng của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...Năm 2017, hàng dệt may sang Mỹ đạt 12,8 tỷ USD, da giày dù khiêm tốn hơn dệt may nhưng đã cán mốc gần 5,9 tỷ USD vào cuối năm 2017, bỏ xa EU vốn nhiều năm là thị trường xuất khẩu lớn nhất tới gần 1 tỷ USD.

Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, xung đột thương mại vừa xảy ra hạn chế xuất khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhưng không thể cho rằng, ngay lập tức Mỹ cấm nhập khẩu quần áo từ Trung Quốc thì họ sẽ quay sang Việt Nam tìm nguồn cung ứng hàng mới, bởi có nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng như Việt Nam có khả năng làm được điều này.

Đại diện Bộ Công Thương lưu ý, cơ hội với Việt Nam chưa rõ ràng trong cuộc chiến này, trong khi thách thức thấy rõ hơn từ hoạt động truyền tải, khó khăn hơn trong xây dựng chuỗi cung ứng đầu cuối.

Trước đó, khi Mỹ công bố áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra dư báo, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến cơ hội cho ngành hàng lắp ráp điện thoại di động, hàng điện tử và dệt may của Việt Nam.

Theo đánh giá của BVSC, việc thuế tăng lên sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất mặt hàng may mặc sang các nước khác nhằm tránh thuế. Các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh,Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

BVSC cho rằng, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ hai khía cạnh.  Thứ nhất là đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.

Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.

Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang niêm yết trên sàn như TCM, GMC... sẽ được hưởng lợi nhưng mức độ có thể không quá đột biến.

Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ ít hay nhiều sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, và hơn hết các doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin sớm để điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Để đối phó với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, với Việt Nam, trước hết là ảnh hưởng từ sự chuyển dịch đầu tư của các nước vào Việt Nam, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa của các nước.

Do đó, Việt Nam cần xây dựng lại chuỗi cung ứng hàng hoá của mình cũng như đón các dòng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có cả của Mỹ và Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của Việt Nam.

Thách thức tiếp theo, đó là khi hàng Trung Quốc không bán được sang Mỹ thì sẽ tràn ngập Việt Nam và có thể biến Việt Nam thành bãi rác cho hàng Trung Quốc. Song điều này cũng nói lên cơ hội cho Việt Nam, bởi khi hàng hoá Trung Quốc không xuất được đi Mỹ thì các cơ sở của Trung Quốc bị thu hẹp, thậm chí người ta phải bán cả máy móc. Các doanh nghiệp Việt Nam nhân cơ hội này có thể mua được máy móc tốt, giá rẻ, phù hợp để cải thiện sản xuất của mình.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đón đầu bằng cách liên hệ với các công ty, tập đoàn lớn đang đầu tư vào Trung Quốc hiện nay để thu hút họ về Việt Nam đầu tư.

Nhiều công ty của Đài Loan có 5 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhưng hiện nay họ chuyển hết sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế. Quan trọng nhất là không để hàng hoá của Trung Quốc trốn thuế xuất khẩu vào Mỹ bằng cách chuyển giá, chuyển cảng vào Việt Nam, nếu Mỹ phát hiện ra họ sẽ kiện chống lại Việt Nam, khi đó thiệt hại là khó tránh.

Tin liên quan
Tin khác