Chi phí logistics tại Việt Nam quá cao
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trả cho dịch vụ logistics (bao gồm các dịch vụ vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, giấy tờ…) ở Việt Nam đang ở mức cao so với trung bình của thế giới, chiếm tới 25% GDP. Trong khi trung bình thế giới chỉ khoảng 10-12%. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao gấp ba lần.
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp ngành logistics Việt Nam giảm thiểu nhiều chi phí |
Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử, với ngành thủy sản, chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.
Chi phí logistics quá cao làm cho giá thành của sản phẩm tăng vượt trội, khiến doanh nghiệp mất đi lợi nhuận đáng kể, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Nguyên nhân của chi phí cao là do chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam chưa tốt. Hạ tầng, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chưa được đầu tư tương xứng... dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.
Có thể giảm chi phí logistics nhờ công nghệ?
Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2025, Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Chính phủ hướng đến việc tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên…
Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu trên, ngoài cơ chế chính sách, cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp “đòn bẩy”.
Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, một điều đáng mừng là hiện nay, phần logistics nội địa, bao gồm dịch vụ vận tải bộ (trucking), vận tải nội địa khác, kho bãi, cảng biển, đại lý hải quan... chủ yếu do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Việt Nam thực hiện. Nhiều công ty đã thực hiện các dịch vụ logistics tích hợp (3PL) như Transimex Saigon, Gemadept, Tân Cảng Saigon... đã cung cấp dịch vụ ngang ngửa với các công ty xuyên quốc gia.
“Vấn đề ở chỗ, các doanh nghiệp ngoại cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia ở Việt Nam hơn các công ty của chúng ta ở trình độ quản lý, năng lực tài chính, trình độ áp dụng ICT và năng lực nhân viên, đặc biệt là họ có thị trường với sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ hàng và hãng tàu”, ông Tương nói.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Tương, để giải quyết bài toán này thì “chìa khóa” công nghệ sẽ giúp ngành logistics nói chung và các doanh nghiệp logistics Việt Nam nói riêng có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.
Còn ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần iFreight thì cho rằng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp ngành logistics Việt Nam giảm thiểu chi phí.
Theo ông Sang, đối với lĩnh vực logistics, sự thay đổi biểu hiện qua việc mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallete, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng Internet, quản lý kho bằng cảm biến… Hiện tại, tất cả các công ty logistics quốc tế lớn dự kiến sẽ sử dụng công nghệ IoT- Internet of Things (kết nối vạn vật). Trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên rất phổ biến trong lĩnh vực logistics. “Xu hướng số hóa chung của thế giới bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chạy đua để đón đầu, học hỏi và áp dụng những tiến bộ này, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng hiệu suất, tối ưu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận trên nền tảng công nghệ 4.0”, ông Sang cho biết.
Ngoài giải pháp về công nghệ, theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Saco, để giảm chi phí logistics, cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; xác định các tuyến hành lang kho vận chiến lược tại các cửa ngõ ở miền Bắc và miền Nam có chất lượng hạ tầng, môi trường luật định (giới hạn tải trọng, tốc độ, kích thước xe), có chính sách công cho ngành vận tải và kho vận và quan trọng là nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân về cán cân lợi ích, chi phí của từng phương án lựa chọn phương tiện và chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh vận tải.