- Công bố Top 10 Nơi làm việc tốt nhất ngành Logistics 2023
- Thương mại điện tử tác động sâu sắc tới logistics
- Các doanh nghiệp Logistics cần chủ động hơn, đầu tư có chiến lược
- Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cần tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng
- Công việc trọng tâm của doanh nghiệp logistics
Cơ hội việc làm lớn
Ngày 21/10, Chia sẻ tại Hội thảo: “Định hướng nghề nghiệp ngành logistics & quản lý chuỗi cung ứng” do Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng, cơ hội việc làm của nhân sự ngành logistics là rất lớn.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng STC - Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, quy hoạch cảng biển Việt Nam 2021 - 2030 được chia thành 5 nhóm, trải dài từ Cụm cảng phía Bắc đến Cụm cảng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển. Trong đó có 25 tuyến vận tải quốc tế, 7 tuyến vận tải nội địa. Ngoài ra, các chuyến Châu Á, khu vực phía bắc đã khai thác 2 tuyến Bắc Mỹ, phía Nam đã hành thành được 16 tuyến đi Bắc Mỹ và châu Âu.
“Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore”, ông Nhã nói và cho biết thêm, Tân Cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng và dịch vụ Logistics hàng đầu Việt Nam với 18 trung tâm chức năng, chi nhánh; 16 bến cảng (5 cảng nước sâu, 7 cảng nội á và 4 cảng sà lan); 6 ICD; 29 công ty con…
Lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ tại buổi Hội thảo |
Theo ông Nhã, nguồn nhân lực tại Tân Cảng Sài Gòn hiện nay là khoảng 17.200 người, trong đó có 7.200 nhân viên cảng và hơn 10.000 công nhân thuê ngoài… trước sự phát triển không ngừng của ngành logistics, việc bổ sung nguồn nhân lực là việc hết sức quan trọng.
Cụ thể, theo thống kê từ Công ty, nhu cầu nguồn nhân lực tại cảng đến năm 2025 là gần 1.500 người. Phân bổ chủ yếu tại các bộ phận như: Vận hành thiết bị (cẩu, xe nâng), lái xe container; điều độ, khai thác; kỹ thuật; thuyền viên tàu sông; giao nhận; thương vụ; nhân sự khối giao tiếp…
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Nam Vân (Nam Vân Logistics) cũng cho rằng, nguồn nhân lực của ngành hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong khi đó, từ nay đến năm 2030 - 2040, nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành logistics dự báo sẽ còn rất lớn.
“Trên thị trường hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành logistics, nhưng chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp. Trong số đó, hơn 50% doanh nghiệp tập trung tại TP.HCM. Vì vậy, các sinh viên đang theo học ngành logistics không phải lo thất nghiệp”, ông Hải nói.
Cần nhân lực chất lượng cao
Dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm đối với nhân sự ngành logistics là rất lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của công việc và sự chuyển động của thị trường, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, kỹ năng, và không ngừng học hỏi.
Đơn cử như tại Tân Cảng Sài Gòn, những kiến thức và kỹ năng cần phải có của các ứng viên chính là thông thạo ngoại ngữ, hiểu và sử dụng các thuật ngữ về logistics, công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm logistics, quản trị theo từng lĩnh vực…
“Logistics là ngành nghề rất phát triển, định hướng toàn cầu nên thông thạo Tiếng Anh là điều không thể thiếu, ngoài ra cần có kiến thức chuyên ngành nhất định. Hơn nữa, để thành công được thì phải có lửa nghề, luôn cầu tiến. Bởi ngành này vận hành liên tục, đòi hỏi người làm trong ngành phải cập nhật kiến thức và kỹ năng của bản thân liên tục”, ông Nhã nói.
Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết thêm, tại các doanh nghiệp, vị trí ‘HOT’ nhất hiện nay chính là ‘Sales’, để làm một nhân viên sales tốt cần rất nhiều kỹ năng, kiến thức… đây chính là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ thì những người có thế mạnh về công nghệ cũng có thể ngồi tại nhà để làm về phân tích, đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hải cũng cho rằng, bất cứ ngành nghề gì muốn thành công cũng cần có người dẫn dắt. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ cũng vậy, việc có nguồn hàng là điều quan trọng nhất. Khi có được nguồn hàng rồi thì việc mua xe để vận chuyển hay tìm người để vận chuyển sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên, việc lấy đâu ra nguồn hàng lại là một vấn đề khó. Lúc này, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng tất cả các kỹ năng, kiến thức, mối quan hệ trong xã hội để làm việc.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc mảng vận tải hàng không và vận tải biển, Công ty U&I Logistics cho rằng, nhân sự trong ngành Logistics đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Đơn cử như một nhân viên pháp chế, không chỉ cần giỏi chuyên môn là Luật, mà còn phải nắm rõ hoạt động của ngành để đề phòng, xử lý những khâu thường hay xảy ra khúc mắc liên quan đến pháp lý.
“Không chỉ cần chuyên môn và lửa nghề, mà làm trong bộ phận nào, lĩnh vực nào cũng cần có sức khoẻ. Bởi logistics là ngành đặc thù về thời gian. Ví dụ như làm việc với khách hàng ở Mỹ thì thức đến 2-3 giờ sáng để trao đổi công việc là bình thường. Vì vậy, yếu tố sức khoẻ cũng rất quan trọng đối với nhân sự ngành logistics”, ông Tuấn nói.
TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ tại Hội thảo. |
Theo ông Trần Bá Tùng, Giám đốc Công ty Fine Scandinavia, vị trí công việc trong một nhà máy logistics chia theo nhiều cấp độ. Người đứng đầu là CEO, tiếp đến là Giám đốc các bộ phận và các nhân sự chuyên môn. Trong đó, mỗi bộ phận chuyên môn đều có những yêu cầu cụ thể.
Đơn cử tại vị trí cung ứng, người làm về nhập kho, xuất hàng thì phải nắm chắc nghiệp vụ xuất nhập khẩu; hay như người phụ trách mua vật tư đặt hàng ngoài thì phải nắm chắc các mô hình dự báo tồn kho, minmax…
“Mức thu nhập của nhân sự ngành logistics không cố định, tùy thuộc vào từng quy mô và mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp… và sẽ tăng theo thời gian. Vấn đề quan trọng là các bạn có thể chứng minh được năng lực của bản thân xứng đáng với mức lương mình mong muốn hay không”, ông Tùng nói.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, doanh nghiệp rất cần nhân lực nhưng cần nhân lực chất lượng cao. Nằm rõ được yêu cầu này nên mục tiêu nhà trường đặt ra là trang bị kiến thức cho sinh viên để khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc được ngay. Có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhân sự khác, thậm chí là còn phải có ưu thế hơn.
“Mong muốn của chúng tôi là làm sao để khi sinh viên ra trường là đã được trang bị 2 năm kinh nghiệm. Tránh tình trạng ra trường mới xin đi làm để lấy kinh nghiệm”, TS. Đặng Thanh Tuấn nói.