Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh là động lực chính thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Ảnh: Đức Thanh |
Thương mại điện tử tăng trưởng ngoạn mục
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhờ dân số trẻ, khả năng am hiểu công nghệ, mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và sự thay đổi trong thói quen mua sắm.
Năm 2022, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được định giá 14 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 26%. Giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm 8,5% tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Bán lẻ trực tuyến năm 2022 chiếm 7,2% tổng lượng hàng hóa bán lẻ, so với mức 6,7% của năm 2021.
Báo cáo ngành của Acclime với tiêu đề “E-Commerce Pivot in Vietnam 2022” (“Xoay trục thương mại điện tử tại Việt Nam 2022”) dự báo, giải trí mua sắm sẽ trở thành một xu hướng quan trọng trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử của Việt Nam. Điều này đã được chứng thực khi TikTok vượt qua Lazada để trở thành nền tảng lớn thứ hai tại Việt Nam vào quý II/2023, sau Shopee.
Ngành hậu cần, thường được coi là xương sống của thương mại điện tử, cũng có sự tăng trưởng đáng kể.
Năm 2022, lĩnh vực kho bãi và hậu cần tăng trưởng 12%. Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index) của Ngân hàng Thế giới năm 2023 xếp Việt Nam đứng thứ 43 trong 139 quốc gia, cho thấy sự cải thiện về hạ tầng trong lĩnh vực thương mại và vận tải, cũng như hiệu quả trong vận hành quy trình hải quan, vận chuyển quốc tế, theo dõi và truy xuất, năng lực hậu cần và giao hàng đúng hạn.
Chạy đua phát triển dịch vụ logistics
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã gây áp lực buộc các công ty phải giao hàng càng nhanh càng tốt. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào hệ thống hậu cần nội bộ của mình để cải thiện tốc độ giao hàng và gia tăng tính linh hoạt. Xu hướng này mang lại cơ hội gia tăng doanh thu cho các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, các giải pháp đặt hàng và hệ thống kho bãi áp dụng công nghệ cao.
Hiệu quả của việc giao hàng chặng cuối là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử vì nó thể hiện bước cuối cùng trong hành trình đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Tại Việt Nam, nhu cầu về dịch vụ giao hàng chặng cuối nhanh chóng và đáng tin cậy đang ngày càng tăng, dẫn đến cạnh tranh tăng cao giữa các công ty logistics nhằm tối ưu hóa mạng lưới giao hàng, giảm thời gian giao hàng và cung cấp đa dạng các gói dịch vụ.
Phần lớn các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam có hệ thống hậu cần nội bộ, chiếm khoảng 70% việc thực hiện đơn hàng. Điều này cho phép linh hoạt hơn trong việc quản lý trải nghiệm của khách hàng, đảm bảo thời gian xử lý đơn hàng và thời gian giao hàng ngắn nhất với chi phí thấp nhất, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu sai sót hoặc gian lận trong quá trình giao nhận.
Tuy nhiên, việc phát triển và duy trì dịch vụ hậu cần nội bộ đòi hỏi phải có một lượng lớn chuyên gia về chuỗi cung ứng, năng lực tài chính và công nghệ. Do đó, khoảng 60% khách hàng đang tham gia thương mại điện tử lựa chọn nhóm dịch vụ hậu cần bên thứ ba để đảm bảo giao hàng kịp thời và hoàn hảo nhất.
Các “gã khổng lồ” thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee Express, Tiki Now và Lazada Express, đều đã phát triển hệ sinh thái logistics của riêng mình để tối ưu hóa thời gian lưu kho, lấy hàng, giao hàng và trả hàng trong mùa cao điểm. Hệ thống nội bộ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, tốc độ và hiệu suất. Chi phí là một lợi ích khác của việc quản lý hệ thống hậu cần nội bộ, vì các nhà cung cấp thương mại điện tử có thể tận dụng tính linh hoạt của nhân viên nội bộ để phân phối sản phẩm hiệu quả đến các khu vực đô thị với chi phí trên mỗi đơn vị thấp hơn so với dịch vụ hậu cần của bên thứ ba.
Với sự gia tăng các đơn đặt hàng trực tuyến, nhu cầu có các trung tâm kho bãi và thực hiện đơn hàng đặt tại vị trí chiến lược trên toàn quốc cũng ngày càng tăng. TP.HCM và Hà Nội là những trung tâm thương mại điện tử chính ở Việt Nam, có vị trí chiến lược và hạ tầng tương đối hoàn thiện. Ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đầu tư vào các nhà kho và trung tâm hậu cần quy mô lớn ở những khu vực này.
Các công ty logistics cũng đang đầu tư mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kho bãi để đáp ứng nhu cầu này. Các khoản đầu tư đang được rót vào xây dựng và vận hành phần mềm hậu cần như hệ thống quản lý kho hàng và quản lý vận tải, các giải pháp tự động hóa để theo kịp sự tăng trưởng của số lượng đơn đặt hàng. Một số công ty đang kết hợp các chức năng này vào thành bộ tiêu chuẩn chung để quản lý chi phí, cải thiện dịch vụ khách hàng và thúc đẩy cải tiến liên tục trong quá trình giao nhận.
Một số doanh nghiệp thương mại điện tử và hậu cần đã bắt đầu phát huy các sáng kiến nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh bền vững trong thương mại điện tử.
Chẳng hạn, Lazada Logistics có kế hoạch triển khai 100 xe máy điện giao hàng với mục đích giảm lượng khí thải carbon. Kế hoạch này sẽ đưa Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam kết hợp giao hàng xanh trong quy trình hậu cần của mình.
Còn Công ty giao hàng Ahamove có kế hoạch tung ra đội xe đạp điện gồm 10.000 chiếc vào năm 2025 trên khắp Việt Nam.
Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã làm thay đổi cục diện bán lẻ ở Việt Nam và mang lại những cải thiện đáng kể trong ngành logistics. Khi hoạt động mua sắm trực tuyến phát triển, cơ hội đang rộng mở cho các công ty hậu cần và doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ về giải pháp giao hàng, kho bãi và xử lý đơn hàng ở chặng cuối.