Chuyển đổi số để cạnh tranh
Với sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…, thị trường logistics Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh đó, Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics - vốn được coi là xương sống của chuỗi cung ứng.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế của cách mạng số và thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tăng thêm khách hàng.
Một số ví dụ là việc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát triển nền tảng bản đồ Vmap cùng cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình.
Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Logistics U&I đang ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách hàng như quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý nhân sự, quản lý khách hàng…
Theo Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Việt Nam, quá trình chuyển đổi số tại Công ty Maersk, một trong những nhà hàng hải lớn nhất thế giới, được tăng tốc dựa trên việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa hoạt động như mô hình sơ đồ kiến thức của Maana (Manna Knowledge Graph) cung cấp thông tin về các hành trình của đội tàu biển, các giải pháp công nghệ điện toán đám mây trong quản trị kho bãi, giúp duy trì hàng tồn kho phù hợp, phát triển container, tàu hàng thông minh để kết nối với các cảng biển trên thế giới.
Maersk cũng cung cấp các dịch vụ ứng dụng số nhằm phục vụ khách hàng như website cá biệt hóa để quản trị giao nhận vận tải hàng hóa, định vị lô hàng bằng GPS, ứng dụng điện thoại di động cập nhật 24/7 lộ trình hàng hóa theo thời gian thực, hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để chia sẻ dữ liệu, giảm thủ tục trong giao dịch, chi phí quản trị logistics…
Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển toàn quốc, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc).
Việc này giúp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và thời gian quản lý hàng hóa, giảm chi phí phân phối và lưu kho, tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, giảm chi phí hành chính và lỗi hóa đơn, theo dõi chính xác hoạt động giao nhận vận tải trên một nền tảng.
Bước tiến nhất định
Các doanh nghiệp logistics đã nhận thức đúng và đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn như Công ty Tân Cảng, Gemadept, Vinafco, U&I, TBS, Transimex, Sotrans… đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ, mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) năm 2022, 100% doanh nghiệp logistics đã tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số. Trong đó, 86% số doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ số hóa và chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích đáng kể về năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai; 36% số doanh nghiệp tin rằng, việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu. Bên cạnh các nền tảng công nghệ xuất hiện từ khá lâu và được sử dụng phổ biến trong các hoạt động của doanh nghiệp logistics, các nền tảng công nghệ mới nổi đã được các doanh nghiệp ứng dụng, trong đó, khoảng 68% doanh nghiệp logistics đã ứng dụng tiến bộ cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh như Internet vạn vật (19,4%), điện toán đám mây (18,4%), trí tuệ nhân tạo (18,4%), dữ liệu lớn và khối chuỗi (14,3%).
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành logistics nước ta những năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng 14 - 16%/năm, với quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn InterContinental Saigon (TP.HCM) vào ngày 5/10/2023.
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời quốc tế và trong nước, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.