Hơn 20 doanh nghiệp mía đường có thể phá sản
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến đầu tháng 3/2018, tồn kho đường của cả nước còn khoảng hơn 370.000 tấn. Trên thế giới, lượng đường dư cung cũng tăng vọt tới 1,8 triệu tấn, cao hơn 1,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này gây áp lực đến tiêu thụ đường trong nước.
Giống mía lạc hậu, năng suất thấp... là những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất đường của Việt Nam đang ở mức cao. Ảnh: Đức Thanh |
Thế nhưng, sức ép lớn nhất đối với các doanh nghiệp mía đường trong nước không phải là lượng hàng tồn kho, bởi con số này cũng chỉ tương đương cùng kỳ, mà là việc đường hầu như không bán được, do khách hàng có tâm lý chờ đường nhập ngoại giá rẻ vào Việt Nam.
Cụ thể, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), bắt đầu từ năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường trong khối được dỡ bỏ. Đến năm 2020, thuế nhập khẩu đường nội khối cũng chỉ còn 0%.
Việc cải thiện năng lực cạnh tranh quá chậm khiến các doanh nghiệp mía đường Việt Nam nhận phải trái đắng, khi đường nhập khẩu trong khu vực sắp ồ ạt tràn vào. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thành sản xuất đường của Việt Nam đang ở mức cao nhất, nhì thế giới (50 USD/tấn), trong khi con số này tại Thái Lan là 30 USD và tại Brazil chỉ có 16 USD.
Nguyên nhân là do giống mía lạc hậu, năng suất mía của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thế giới (64 triệu tấn/ha), chữ đường chỉ đạt gần 10 CCS, trong khi các nước xuất khẩu đường trên thế giới thường đạt 12 - 14 CCS… Ngoài ra, quy mô sản xuất chưa hợp lý, trang thiết bị cũ cũng ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của các nhà máy đường.
Chất lượng không nổi trội, giá thành cao, khiến nhiều năm nay, mía đường trong nước chật vật cạnh tranh, sống nhờ chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, nếu từ năm 2018 này, Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA, nhiều doanh nghiệp mía đường có thể rơi vào phá sản.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tính toán, nếu Việt Nam thực hiện đúng cam kết ATIGA, mà không gia hạn thời gian bảo hộ, sẽ có khoảng 22/41 nhà máy chế biến mía đường hiện nay phải đóng cửa.
Nên dừng bảo hộ với mía đường
Được biết, các doanh nghiệp mía đường đang đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đường với các doanh nghiệp khu vực ASEAN. Đề xuất này đã được Bộ Công thương tổng hợp, trình Chính phủ để xem xét.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích của hơn 90 triệu dân và lợi ích của các doanh nghiệp cũng như người dân trồng mía để có quyết sách hợp lý. Chưa kể, vi phạm cam kết hội nhập cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
“Giải pháp căn cơ nhất vẫn là các doanh nghiệp mía đường tự vực dậy, không trông chờ, ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian qua, dù ngành mía đường khó khăn, song không phải doanh nghiệp nào cũng thua lỗ. Một số doanh nghiệp, nhờ đẩy mạnh liên kết với người dân trồng mía, nâng cao chất lượng giống, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng, như Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi… vẫn kinh doanh hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, hiện Bộ đang tích cực lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và các chuyên gia để đưa ra chính sách hỗ trợ hợp lý, giải quyết khó khăn cho ngành mía đường. Tuy nhiên, các giải pháp sẽ được cân nhắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp chế biến mía đường và lợi ích của người tiêu dùng.
“Không thể làm sai cam kết hội nhập. Hơn nữa, cũng cần phải xem lại lợi thế cạnh tranh của ngành mía đường. Chúng tôi sẽ tính kỹ để đưa ra giải pháp hỗ trợ hợp lý”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Được biết, bên cạnh việc nghiên cứu các giải pháp trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp mía đường và người trồng mía, Bộ NN&PTNT đang thúc đẩy tái cơ cấu lại toàn bộ ngành mía đường, tập trung vào đổi mới giống mía, nâng cao năng suất, chất lượng.
Theo định hướng đề ra, đến năm 2030, năng suất sản xuất mía đường của Việt Nam mới có thể đuổi kịp năng suất bình quân của thế giới hiện nay (75 - 80 tấn/ha), chữ đường bình quân đạt 12 - 13 CCS… Ngoài ra, các nhà máy sản xuất mía đường cũng cần tận dụng phế phụ phẩm để sản xuất điện, sản xuất phân vi sinh… nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.