Từ năm 2018, ngành mía đường sẽ cạnh tranh khốc liệt khi sản phẩm đường trong khối ASEAN đổ dồn vào thị trường nội địa |
Thu hẹp số lượng nhà máy
Số lượng doanh nghiệp ngành mía đường trong vài năm tới có nhiều khả năng sẽ không còn giữ ở con số hơn 40 nhà máy như hiện tại.
Trước sức ép của đường nhập khẩu từ đầu năm 2018 theo ATIGA, quy mô ngành mía đường trong nước chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí báo hiệu những vụ “đổi chủ” rất nhanh chóng.
Là doanh nghiệp mía đường lớn tại miền Bắc, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã có sự chuẩn bị cho mở cửa ngành mía đường trong khu vực ASEAN từ cả chục năm nay, khi tập trung đầu tư nâng quy mô công suất, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, xây dựng Trung tâm phát triển mía nguyên liệu. Dẫu vậy, Công ty vẫn dự liệu kinh doanh không dễ dàng khi cạnh tranh ngành mía đường đã vào thời điểm khốc liệt nhất.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết, từ năm 2018, ngành mía đường sẽ cạnh tranh khốc liệt khi sản phẩm đường trong khối ASEAN đổ dồn vào thị trường nội địa. Việt Nam nằm gần Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới và là quốc gia có nhiều chính sách bảo hộ đáng kể ngành đường. Chỉ một phần nhỏ đường Thái Lan về Việt Nam cũng đủ làm doanh nghiệp trong nước điêu đứng.
Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO), lượng đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành.
Hiện nay, giá đường trong nước cao hơn đường ngoại nhập nên buôn lậu đang ráo riết với nhiều chiêu trò và thủ đoạn tinh vi.
Theo ông Tam, thời gian tới là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành sản xuất mía đường nội địa, số lượng nhà máy đường khó có thể duy trì như trước. Đặc biệt, các nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu càng khó cạnh tranh với chính sản phẩm của các doanh nghiệp lớn cùng ngành, chưa nói đến đường nhập khẩu có giá bán rất cạnh tranh từ khu vực.
Ngành mía đường hiện có trên 40 nhà máy, nhưng có đến 22 nhà máy quy mô công suất nhỏ, chỉ 3.000 tấn mía/ngày. Trong khi đó, thông thường một nhà máy tối thiểu phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên mới đạt được lợi thế về quy mô và chi phí sản xuất hiệu quả.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đang thực sự lo ngại cho các doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ bị biến mất do phá sản, nếu không lọt vào “mắt xanh” của các doanh nghiệp lớn để cùng tái cơ cấu, mở rộng quy mô, nâng công suất và nâng cấp trang thiết bị.
Chuyển động mới
Sự kiện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa, với đích ngắm dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất của Vinamilk đã phần nào cho thấy sự chuyển động của ngành mía đường, đúng như dự báo của không ít chuyên gia trong ngành.
Lễ ra mắt Công ty cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) tại tỉnh Khánh Hòa, mà 65% cổ phần do Vinamilk nắm giữ như một lời khẳng định về chiến lược đầu tư sản xuất của Vietsugar sẽ có nhiều thay đổi.
Ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Vietsugar kỳ vọng, hợp tác với Vinamilk sẽ đem lại thành công không chỉ cho Vietsugar, mà còn đem lại sức bật mới cho ngành mía đường Việt Nam.
Với công suất chỉ vài trăm tấn mía/ngày trong thời gian đầu xây dựng, hiện nay Công ty Vietsugar đã đạt công suất 10.000 tấn mía/ngày, luyện độc lập đường thô 1.500 tấn/ngày. Việc có thêm vốn của Vinamilk, quy mô công suất của nhà máy chắc chắn sẽ được nâng cao.
Điều này cũng được ông Đỗ Thành Liêm thừa nhận. Theo ông, trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày; tinh luyện đường thô 2.000 tấn/ngày.
Các sản phẩm chủ lực của Công ty là đường tinh luyện và đường nâu tự nhiên, được chế biến trực tiếp từ cây mía trồng trên những vùng đất an toàn của tỉnh Khánh Hòa và các vùng lân cận.
Với hệ thống máy móc và công nghệ từ những nước phát triển của châu Âu và Mỹ, thành phẩm của Công ty được đóng gói tự động và có đầy đủ thông tin để truy xuất được nhanh chóng, chính xác thời điểm sản xuất; lô sản xuất.
Trong động thái nâng cao năng lực cạnh tranh, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn nhận định, tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm là lối đi của ngành đường trong bối cảnh hội nhập để tăng khả năng cạnh tranh và Mía đường Lam Sơn cũng không ngoại lệ.
“Công ty đã phải thay đổi cách làm mía để có được năng suất cao hơn. Trước đây làm mía bằng ngọn giống thì bây giờ chuyển sang giống theo mô hình nuôi cấy mô để chọn được giống chất lượng, năng suất cao nhất”.
Về vùng nguyên liệu, trước đây, Công ty Mía đường Lam Sơn trải dài 10 huyện, 113 xã, thậm chí có hộ chỉ 0,4 ha vẫn đeo đẳng làm mía, lại kêu giá thu mua thấp thì hiện giờ đã dồn lại còn 40 xã, tập trung vào xây dựng quy mô vùng nguyên liệu từ 100 ha trở lên”, ông Tam cho biết.