Các địa phương trong cả nước đang chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. |
Nỗ lực sản xuất
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp như hiện nay, gồm cả giải pháp y tế, giải pháp công nghệ và dây chuyền sản xuất.
“Vừa triển khai nghiêm ngặt nhiều biện pháp để phòng, chống Covid-19, vừa phải đảm bảo vận hành sản xuất, nên đòi hỏi quản trị phải được nâng cao và khoa học hơn. May là Nhà máy với quy trình sản xuất tự động hóa cao, nên trong tình hình dịch bệnh, Công ty vẫn duy trì, đảm bảo khối lượng sản xuất. Trong quý I/2020, Công ty đã nộp ngân sách Thành phố gần 1.000 tỷ đồng”, ông Phúc cho biết.
Với quy mô lớn hơn Nhà máy Bia Heniken Việt Nam - Đà Nẵng, nhà máy của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) hiện có 2.700 nhân viên. Nhờ các đơn hàng đã được ký hợp đồng từ năm ngoái, nên tiến độ sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ là tăng thêm chi phí về y tế, thực hiện giãn cách lao động và phân bổ thời gian ăn, nghỉ cho người lao động hợp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chủ động được sản xuất, thì nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được tiến độ xây dựng hay hoạt động sản xuất - kinh doanh vì dịch bệnh. Tại Quảng Ngãi, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phát Dung Quất cho biết, Công ty đang có nguy cơ chậm tiến độ lắp đặt dây chuyền HRC.
“Dây chuyền HRC của Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đã lắp đặt xong thiết bị, dự kiến chạy thử và đi vào hoạt động ngày 1/4/2020. Nhưng do Covid-19, Italy đã ban hành lệnh phong tỏa và Việt Nam cũng dừng miễn và cấp thị thực cho công dân Italy từ ngày 2/3/2020, nên Tập đoàn Danieli không thể cử chuyên gia công nghệ kỹ thuật cao sang Việt Nam, dẫn tới dây chuyền HRC bị chậm tiến độ so với kế hoạch”, ông Thọ lý giải.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Khách hàng của BSR gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nên lượng xăng dầu bán ra giảm 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước.
Doanh nghiệp cần sự đồng hành và chia sẻ
Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, để tồn tại cũng đã khó với doanh nghiệp..., nên rất cần các chính sách hỗ trợ. Theo ông Thọ, ngoài chính sách vĩ mô từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp còn trông chờ vào hành động của lãnh đạo địa phương.
“Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh có gói kích cầu trích từ ngân sách địa phương cho các doanh nghiệp khó khăn vay không lãi suất để duy trì sản xuất - kinh doanh”, ông Thọ đề xuất.
Xác định doanh nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế, bên cạnh thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, các địa phương trong cả nước cũng đang chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, địa phương này đã có gói 14.000 tỷ đồng đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư đối với một số dự án trọng điểm quan trọng của Thành phố. Đây sẽ là cú hích quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TP. Đà Nẵng trong những năm tới. “Trước những khó khăn như hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, ông Thơ cho biết.
Tại Quảng Ngãi, Công ty TNHH MTV Vinacem xin được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm đề nghị các ngân hàng mở rộng hạn mức vay ngắn hạn để duy trì sản xuất... “Những kiến nghị này đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tham mưu, xử lý trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch”, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.