Các doanh nghiệp mong muốn người lao động sớm được tiêm vắc-xin đề yên tâm sản xuất |
Căng mình chống dịch
Ngay từ tối 13/6/2021, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen), đã phát đi thông báo cho 12.224 công nhân của Công ty đang tạm trú tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân sẽ phải tạm thời nghỉ việc trong ngày 14/6 để phòng, chống Covid-19. Trước đó, một nữ công nhân của Công ty làm việc tại lầu 5, tòa nhà C3 đã bị dương tính, khiến 141 người làm cùng chuyền với nữ công nhân này phải đi cách ly tập trung và gần 550 công nhân của Công ty phải cách ly tại nhà.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc chủ động mua và nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu, công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vắc-xin lên cao.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vắc-xin theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng theo tiến độ yêu cầu, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Ông Tsai Wen Tsung, Tổng giám đốc Tập đoàn PouChen khu vực Việt Nam cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, Công ty đã đầu tư hơn 30 máy đo nhiệt độ hồng ngoại diện rộng để đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào xưởng, phát tấm che bằng nhựa trong cho công nhân để chống giọt bắn, xe đưa đón không chở quá 20 người/xe, thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống dịch và xây dựng quy trình xử lý nếu phát hiện trường hợp người lao động có thân nhiệt bất thường.
Theo đại diện Công ty PouYuen, khu vực có ca nhiễm vẫn bị phong tỏa, kéo theo sản xuất tạm dừng. Công nhân các bộ phận khác dù còn hoang mang, nhưng vẫn đi làm để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần May Dinsen tại KCN Tân Tạo, dù chỉ phát hiện 1 trường hợp nghi nhiễm và xét nghiệm đã cho kết quả âm tính, nhưng tại thời điểm phát hiện ca nghi nhiễm, toàn bộ công nhân làm chung phân xưởng đều bất an. Đáng nói là, cho đến thời điểm hiện tại (khoảng 2 tuần), các trường hợp tiếp xúc gần của ca nghi nhiễm này vẫn chưa thể sản xuất vì phải chờ kết quả xét nghiệm.
Ông Nguyễn Tài, quản đốc Công ty Dinsen cho biết, trước và sau khi phát hiện ca nghi nhiễm, Công ty vẫn kiểm soát rất chặt tình hình chấp hành các quy định phòng chống dịch của công nhân trong phân xưởng.
“Hiện sản xuất của Công ty đang trên đà tiến triển tốt, chúng tôi đã có sẵn đơn hàng từ đối tác đến tháng 9 năm nay, dự kiến còn tăng nữa. Tuy nhiên, mọi người vẫn rất cẩn trọng vì ca nhiễm có thể ở trong cộng đồng bất cứ lúc nào, nên về phía Công ty luôn chú ý theo dõi và nhắc nhở công nhân thực hành nghiêm các biện pháp phòng dịch bắt buộc để đảm bảo an toàn trong sản xuất”, ông Tài nói.
Sớm tiêm vắc-xin cho công nhân
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn, nên ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân ở khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có hoạt động ổn định trong thời gian qua, đóng góp nhiều cho xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa.
“Chỉ tính riêng TP. Thủ Đức đã có hàng trăm ngàn lao động làm việc tại khu công nghệ cao và nhiều khu công nghiệp. Đặc thù của công nhân là làm việc tập trung trên một dây chuyền và sống tập trung trong khu trọ, một khi lây nhiễm nguy cơ là rất cao. Do đó, phải ưu tiên việc tiêm vắc-xin cho công nhân tại khu công nghiệp”, ông nói.
Ông Việt Anh lấy hiện tượng của các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc làm ví dụ. Chỉ tính sơ bộ tại Bắc Ninh, tình hình lây nhiễm nhanh của công nhân đã làm thiệt hại 50.000 tỷ đồng, ảnh hưởng 4% sản xuất công nghiệp của tỉnh và 0,5% sản lượng của quốc gia chỉ trong vòng 2 tuần.
Song, hiện nay nguồn cung vắc-xin vẫn còn là mối lo khi chưa có thông tin rõ ràng và phổ biến. Ông Việt Anh cho biết: “Vừa qua, chúng tôi có nhận thông tin về lô vắc-xin Sputnik V của Nga, số lượng doanh nghiệp đăng ký mua cho cán bộ, công nhân viên đã lên đến 918.000 liều vắc-xin. Các doanh nghiệp đồng ý chịu toàn bộ chi phí nhập vắc-xin, chỉ cần thông tin đầu mối và an toàn về thủ tục pháp lý, quy cách triển khai tiêm ngừa.
Ông Lee Sang Hoon, Giám đốc Công ty TNHH Samil Vina cũng cho rằng, hiện nay điều quan tâm nhất của Công ty là kiếm được nguồn vắc-xin đáng tin cậy để tiêm cho người lao động. “Trong khi chờ đợi thông tin về nguồn vắc-xin chính thức, chúng tôi sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống Covid-19 tại doanh nghiệp”, vị này cho biết.
Tương tự, theo ông Cao Tấn Dũng, Giám đốc tổng vụ Công ty TNHH Nikkiso, vấn đề bảo vệ an toàn cho công nhân là rất quan trọng, bởi đây là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bị đình trệ sản xuất nếu công nhân bị nhiễm Covid-19.
Vị này mong rằng, tất cả công nhân sớm được tiêm ngừa để họ yên tâm làm việc, đảm bảo duy trì sản xuất trong phân xưởng. “Chúng tôi tham gia vào quỹ vắc-xin Covid-19 và rất muốn được Thành phố ưu tiên tiêm cho công nhân của mình. Giải pháp thiết thực nhất hiện nay doanh nghiệp có thể làm là thực hiện nghiêm túc các chỉ thị chống dịch của Thành phố, trong khi chờ đợi nguồn cung vắc-xin cho công nhân”, ông Dũng chia sẻ.
Mấy ngày qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận được rất nhiều tin nhắn từ doanh nghiệp sẵn lòng chia sẻ với Thành phố về vấn đề vắc-xin. “Mục tiêu của TP.HCM là tiêm vắc-xin cho toàn dân, nhưng nguồn cung vắc-xin không cho phép thực hiện cùng một lúc, nên phải có lộ trình xác định ưu tiên cho đối tượng cụ thể”, ông Phong nói.
TP.HCM đã thành lập 1 tổ mua và tiêm vắc-xin, quyết tâm đạt mục tiêu đề ra là 2/3 dân số của Thành phố được tiêm trong năm 2021. Theo đó, đợt đầu sẽ tiêm 1,5 triệu liều và đợt kế tiếp là 5,6 triệu liều.