Các công ty Mỹ huy động mức kỷ lục 65,3 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu trong tháng 5. Ảnh: AFP |
Mức huy động 65,3 tỷ USD nói trên đạt được nhờ các doanh nghiệp Mỹ biết tận dụng sóng tăng điểm trên thị trường chứng khoán khi giới đầu tư tin rằng đại dịch Covid-19 đang lắng xuống.
Chỉ số S&P 500 hiện đạt mốc cao nhất kể từ cuối tháng 3, tăng khoảng 40% so với mức đáy khi thị trường hoảng loạn vì đại dịch. Tuy nhiên, nếu so với tháng 2, chỉ số S&P 500 vẫn giảm khoảng 10% so với mức cao nhất trong tháng 2.
Thị trường lên xuống thất thường ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát hành cổ phiếu và huy động tiền mặt của doanh nghiệp Mỹ. Tháng 3, giá trị huy động từ cổ phiếu chỉ đạt 4,8 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, theo số liệu của Công ty dữ liệu tài chính toàn cầu Refinitiv.
Sang đến tháng 4, giá trị cổ phiếu mà doanh nghiệp Mỹ bán ra đạt 22,3 tỷ USD và con số này tăng lên mức kỷ lục 65,3 tỷ USD trong tháng 5.
Đáng chú ý, hai lĩnh vực hàng không và du lịch tàu biển của Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Mỹ Southwest Airlines và Công ty vận hành tàu biển Carnival Corp đã huy động thành công vốn từ phát hành cổ phiếu mới. Trong khi các cổ đông lớn của Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock và Tập đoàn dược phẩm Regeneron Cosmetics bơm thêm tiền mua cổ phiếu với hy vọng thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trong dài hạn.
Thành công huy động vốn từ phát hành cổ phiếu khiến bảng cân đối của nhiều công ty đại chúng chuyển trạng thái từ nguy cơ khủng hoảng tiền mặt sang có dự phòng lúc dòng tiền biến động thất thường.
"Một loạt doanh nghiệp Mỹ chịu đòn đau Covid-19 và phải điều chỉnh vốn", ông Santosh Sreenivasan, Trưởng Bộ phận thị trường cổ phiếu châu Mỹ tại hãng dịch vụ tài chính JPMorgan cho biết. "Các công ty phát hành cổ phiếu nhìn ra được cổ phiếu của họ sẽ tăng giá nên không muốn bỏ lỡ cơ hội phát hành cổ phiếu khi giá cổ phiếu có thể phục hồi chỉ trong thời gian ngắn”, ông Sreenivasan.