Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc vẫn đang được coi là nguồn tăng trưởng doanh thu chính cho các công ty hàng đầu tại Mỹ. Tuy nhiên, cường quốc từng tăng trưởng với tốc độ hai chữ số này đang dần mất đà với chỉ 7,5% quý vừa qua, thị trường tín dụng đang chao đảo, còn nỗi lo bong bóng nhà đất thì luôn thường trực.
Khoảng 18 công ty trong chỉ số S&P có việc kinh doanh gắn chặt với Trung Quốc. Cổ phiếu của 12 trong số đó tăng thấp hơn S&P 500, tính đến cuối tuần trước. Trong đó có Yum Brands và Intel, với lý do chính là tăng trưởng ì ạch tại Trung Quốc.
|
Doanh thu của KFC tại Trung Quốc đã giảm liên tục từ cuối năm ngoái. Ảnh: Bloomberg |
Robbert van Batenburg, Giám đốc chiến lược thị trường tại Newedge (Mỹ) cho biết: "Ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng lớn vì các công ty Mỹ lấn sang thị trường này rất mạnh những năm gần đây". Những lo ngại này đã khiến giới đầu tư giảm tỷ lệ cổ phiếu các thị trường mới nổi xuống thấp nhất 12 năm qua, theo một khảo sát của Merrill Lynch. Các ngành công nghiệp, sản xuất đồ xa xỉ và công ty kinh doanh hàng hóa, hàng tiêu dùng đều phụ thuộc lớn vào thị trường này.
Giữa tuần trước, nhà đầu tư nổi tiếng Jim Chanos cũng cho biết đã bán mạnh cổ phiếu Caterpillar, khiến cổ phiếu hãng thiết bị xây dựng giảm gần 2%. Từ lâu, Chanos đã nhận định kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ, trong khi đó, khoảng 25% doanh thu của Caterpillar lại đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khảo sát tháng trước của Merrill Lynch chỉ ra khả năng Trung Quốc hạ cánh cứng là rủi ro lớn nhất với các giám đốc quản lý quỹ toàn cầu. Omar Aguilar, Giám đốc đầu tư tại Charles Schwab cho biết: "Trung Quốc đang vào quá trình chuyển đổi tương đối khắc nghiệt khi họ nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Việc này đã châm ngòi lạm phát và cơn khát thanh khoản vừa rồi. Tôi cho rằng rất nhiều người đang đánh giá thấp ảnh hưởng của Trung Quốc và Brazil".
Yum Brands, công ty mẹ của chuỗi đồ ăn nhanh KFC và Taco Bell, đã mất 15% doanh thu quý vừa qua, khi doanh số tại thị trường quan trọng - Trung Quốc giảm liên tục từ tháng 12 năm ngoái. Gần 51% doanh thu của Yum đến từ Trung Quốc, tăng mạnh so với chỉ 34% hai năm trước.
16% doanh thu của Intel đến từ Trung Quốc. Hãng cũng vừa phải giảm dự báo doanh thu và đầu tư vào đây do doanh số máy tính cá nhân (PC) nghèo nàn và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm.
Hãng sản xuất chip điện tử AMD còn có tới 58% doanh thu từ Trung Quốc. Ba năm trước, tỷ lệ này chỉ là 45%. Quý vừa qua, hãng lỗ tới 9 cent một cổ phiếu.
Giới phân tích cho rằng nếu Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) không bơm thanh khoản vào hệ thống, tăng trưởng sẽ vẫn giảm sút. Societe Generale còn dự đoán GDP tại đây sẽ chỉ tăng 4% - 5% cho tới cuối thập kỷ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng thừa nhận Trung Quốc suy giảm lại xảy ra đúng thời điểm tồi tệ với ngành công nghiệp Mỹ, khi kinh tế eurozone yếu ớt và Mỹ chưa hồi phục hoàn toàn. Brian Langenberg, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Langenberg & Co (Mỹ) nhận định: "Trung Quốc ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp, có ngành ít, có ngành nhiều. Máy móc có vẻ chịu tác động lớn nhất từ biến động kinh tế".
Thùy Linh - Vnexpress (theo Reuters)