Hơn 500 đơn vị của nhà bán lẻ lâu đời của Mỹ Brooks Brothers hôm 6/7 nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: AFP |
Được lấy ý kiến riêng rẽ, nhưng Raphael Bostic, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại thành phố Atlanta; Eric Rosengren, Chủ tịch Fed tại thành phố Boston; cùng Thomas Barkin, người đứng đầu Fed tại Richmond chung nhận định rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với những “túi khí” có thể xịt hơi bất cứ lúc nào, trong khi đơn hàng của doanh nghiệp Mỹ đang cạn dần còn người dân sắp đối diện với cảnh trợ cấp thất nghiệp và các khoản hỗ trợ khác bị cắt.
"Doanh nghiệp Mỹ, đơn cử các công ty xây dựng đã tạo được những dòng tiền khá tốt và duy trì nó qua giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid-19", ông Barkin phát biểu trong cuộc họp trực tuyến mới đây của đại diện các phòng thương mại địa phương tổ chức tại bang Virginia.
Ông Barkin cho biết thêm, các đơn hàng mới không đều đặn trong khi chúng tôi có các khoản phải thanh toán. Trợ cấp thất nghiệp dù được tăng lên và là “cứu cánh" về thu nhập cho người dân nhưng các khoản trợ cấp này sẽ chấm dứt trong tháng 7.
Vừa đối mặt với "vách đá tài chính", nền kinh tế Mỹ cũng phải vật lộn với đại dịch Covid-19 với số ca mắc mới tăng kỷ lục.
Không phải tất cả quan chức Fed đều có cái nhìn bi quan về nền kinh tế Mỹ. James Bullard, Chủ tịch Fed tại thành phố St. Louis, hy vọng khẩu trang sẽ nhan nhản khắp nơi để chống dịch và nhiều việc làm sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay.
Nhưng có lẽ Bullard là trường hợp ngoại lệ trong số đồng nghiệp của mình tại Fed. "Nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn suy yếu trong khi nhiều người hy vọng kinh tế Mỹ sẽ dần hồi phục trong mùa hè và mùa thu tới", ông Rosengren nhận định trong cuộc phỏng vấn mới đây với Reuters.
Trong khi đó, ông Bostic, Chủ tịch Fed tại Atlanta cho biết ông có lo ngại nhưng không quá nhiều đến việc các bang ở khu vực phía Nam vội vã mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng không có quan tâm đúng mức công tác quản lý các hoạt động này.
Các quan chức Fed cho rằng, đà phục hồi của thị trường việc làm, bán lẻ và hoạt động kinh tế khác tại Mỹ trong tháng 5 và tháng 6 có thể không kéo dài. Theo khảo sát hàng quý gần đây nhất với hơn 500 giám đốc tài chính doanh nghiệp do Đại học Duke và đối tác thực hiện, các giám đốc tài chính cho biết họ lo lắng về nhu cầu hàng hóa tiếp tục suy yếu và đà hồi phục của thị trường việc làm Mỹ có thể chậm lại những tháng còn lại của năm.
Mặc dù vậy, mức độ lạc quan của các giám đốc tài chính nói trên đã có cải thiện so với những tuần đầu tiên Mỹ hứng chịu đại dịch. Điều này cũng ăn khớp với kết quả các cuộc khảo sát khác khi các hộ gia đình và doanh nghiệp được hỏi đều tỏ ra lo ngại tác động của đại dịch, nhưng họ chung đánh giá rằng rủi ro kinh tế lớn nhất đã được loại bỏ.
Tuy nhiên, chỉ số cảm tính thị trường hàng quý do Hội nghị các Giám sát viên ngân hàng tiểu bang lại cho thấy bức tranh ngược lại. Cộng đồng các ngân hàng Mỹ tỏ ra quan ngại sâu sắc khi chỉ số cảm tính thị trường chỉ đạt 90, gần như không thay đổi so với kết quả khảo sát lần trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức trung lập 100. Mùa thu năm ngoái, chỉ số này đạt 122 điểm.