Vốn đầu tư vào sản xuất của các công ty Mỹ được dự đoán sẽ chỉ tăng 3,9% trong năm 2024 do áp lực lãi vay tăng cao. Ảnh: Bloomberg |
Trì hoãn đầu tư mua sắm
Khi kết quả chống lạm phát bị trì trệ vào đầu năm nay và các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm, các công ty đã buộc phải suy tính lại về các khoản đầu tư vào chi tiêu vốn, hàng tồn kho và tuyển dụng.
Các quan chức Fed dự kiến sẽ tiếp tục giữ lãi suất cho vay ổn định sau cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày và kết thúc vào ngày 12/6 ở Washington.
Đối với các doanh nghiệp, nỗi đau lãi suất hiện rõ qua số liệu. S&P Global Market Intelligence dự đoán vốn đầu tư vào sản xuất sẽ chỉ tăng 3,9% trong năm nay, giảm so với ước tính tháng 1 là 6,7%.
Trên thực tế, số hồ sơ xin phá sản doanh nghiệp tại Mỹ đã tăng hơn 40% trong năm qua, tính đến cuối tháng 3/2024, trong khi số hồ sơ cá nhân tăng 15%, theo Văn phòng hành chính của các tòa án liên bang.
Trong báo cáo đầu tháng này của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), phần lớn các đơn vị được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cho biết lạm phát và lãi suất hiện nay cản trở nỗ lực cải thiện điều kiện kinh doanh.
Quyết định của Fed về việc neo lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến đang gây ra sự bất ổn trên toàn cầu, đồng thời gây thêm sức ép cho những người tiêu dùng đang mắc nợ và trì hoãn việc mua nhà.
"Bạn chắc chắn phải thắt chặt khi lãi suất tăng cao", ông Patrick Curry, chủ tịch công ty sản xuất dụng cụ Fullerton có trụ sở tại bang Michigan, cho hay. Vị này cũng tiết lộ rằng Fullerton đã phải "tạm dừng một vài trong số các kế hoạch và cố gắng tận dụng tối đa các thiết bị hiện có".
Fullerton có 2 cơ sở sản xuất tại thành phố Saginaw của bang Michigan và một cơ sở khác ở bang California. Doanh nghiệp 81 tuổi này chuyên sản xuất thiết bị và dụng cụ cắt dùng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ô tô và y tế. Họ đã trì hoãn đầu tư 1 triệu USD vào nâng cấp thiết bị trong bối cảnh các khách hàng của họ cũng đang thắt chặt chi tiêu.
Trong dự báo kinh tế công bố tháng trước, Viện Quản lý Cung ứng cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ước tính chi tiêu vốn chỉ tăng 1% trong năm nay, giảm so với ước tính tăng gần 12% vào cuối năm ngoái.
Trên thị trường hợp đồng tương lai hàng hóa, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Fed tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9.
Theo giám đốc điều hành Hiệp hội Tài chính và Cho thuê Thiết bị (ELFA) Leigh Lytle, nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, hoạt động đầu tư vào kinh doanh và phần mềm ở Mỹ sẽ tăng trưởng vào cuối năm.
Bà Blair Chandler, giám đốc tài chính và cho thuê thiết bị tại công ty sản xuất máy chế biến gỗ SCM North America, cho biết các khách hàng lớn hơn vẫn tiếp tục mua hàng, còn những khách hàng nhỏ hơn của SCM North America vẫn đang cố gắng kéo dài tuổi thọ của thiết bị cũ.
"Tôi thấy các công ty nhỏ hơn đã ném tiền vào duy trì các thiết bị hiện có và họ phải tự thuyết phục bản thân về việc mua sắm thiết bị mới", đại diện SCM North America nói thêm.
Oằn mình gánh lãi suất cao
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, tính đến tháng 5, các doanh nghiệp quy mô nhỏ của nước này vẫn oằn mình trước áp lực lãi suất vay tăng cao, lạm phát và tiền lương vẫn dai dẳng với mức tăng trưởng hơn 4% một năm qua.
Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia Mỹ (NFIB) cho biết khoảng 6% doanh nghiệp nhỏ thừa nhận rằng tài chính là vấn đề kinh doanh hàng đầu của họ trong tháng 5 và đây cũng là mức cao nhất trong gần 14 năm qua. Còn theo công ty thông tin tín dụng Equifax (Mỹ), tỷ lệ vỡ nợ của các khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ trong tháng 4 là 3,2%, cao nhất trong ít nhất một thập kỷ.
Các công ty Mỹ cũng đang cảm thấy khó khăn trước các khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh.
Đơn cử, lãi suất vay mà Gastamo Group, một công ty kinh doanh nhà hàng có trụ sở tại thành phố Denver (bang Colorado), phải trả sẽ tăng gấp đôi lên mức 8% bắt đầu sau hai năm. Đây không phải là mức thay đổi nhỏ đối với Gastamo Group bởi công ty này đang có các khoản vay thế chấp tài sản lên tới 3 triệu USD, theo giám đốc chiến lược Peter Newlin.
Ông Newlin cho biết, ngay cả khi các khoản vay trên không được thiết lập lại ngay trong một năm nữa hoặc hơn, "khoản lãi vay sẽ ập đến".
Tại thành phố Tampa thuộc bang Florida, ông Dilip Kanji, chủ sở hữu lâu năm của công ty khách sạn Impact Properties, đã tạm dừng kế hoạch xây dựng ba khách sạn mới cho đến khi chi phí lãi vay giảm xuống. Lãi suất cho vay xây dựng tại Mỹ đã tăng từ khoảng 5% lên tới 9%.
Mặc dù ông Kanji dự kiến xoay sở khoảng 42 triệu USD trong tổng chi phí đầu tư 60 triệu USD, nhưng mức lãi vay cao như hiện nay quả là một con số khổng lồ.
Giống như nhiều chủ khách sạn khác, ông Kanji đã gia hạn các khoản vay đối với một số tài sản của mình với lãi suất cao hơn nhiều và có thể gánh chịu chi phí vào thời điểm hiện tại. "Chúng tôi chỉ đang chờ một chút tiền để thoát khỏi nợ nần để thực hiện các dự án đó", ông chủ khách sạn Impact Properties cho hay.
Nỗi đau tài chính dày vò
Theo một báo cáo gần đây từ Fed chi nhánh New York, khoản nợ của các hộ gia đình Mỹ đã đạt mức kỷ lục 17,7 nghìn tỷ USD trong quý I/2024.
Người tiêu dùng Mỹ cho rằng nỗi đau tài chính của họ sẽ còn tiếp diễn. Hiện chỉ có khoảng 1/4 số người được hỏi trong cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan dự đoán lãi suất sẽ giảm trong năm nay, so với 32% trong tháng 4.
Về phía doanh nghiệp, kỳ vọng cũng nghiệt ngã không kém. Báo cáo sản xuất mà Viện Quản lý Cung ứng công bố vài ngày trước, chỉ ra rằng hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Mỹ tiếp tục suy giảm trong tháng 5.
Ông Timothy Fiore, chủ tịch Ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất tại Viện Quản lý Cung ứng, cho biết: "Sự không chắc chắn là điều tồi tệ trong kinh doanh và đó chính xác là tình cảnh mà chúng ta đang đối mặt hiện nay".