Sang năm tới, Vinatex sẽ trở lại là doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Đức Thanh |
Mối lo xin - cho
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xuất hiện ở Hội thảo khoa học Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững (vừa tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội) với một tâm thế tương đối khác so với nhiều vị lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Từ ngày 1/1/2021, chúng tôi trở lại là doanh nghiệp nhà nước, theo Luật Doanh nghiệp 2020”, ông Trường nói khi đăng đàn, nhưng không có bài viết trong kỷ yếu.
Vinatex đã được cổ phần hóa cách đây 5 năm, hiện vốn nhà nước còn 53,49% vốn điều lệ và nằm trong quá trình tiếp tục thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào đầu năm tới, ông Trường lo ngại sẽ có những thay đổi cần phải chuẩn bị.
Hiện tại, 48% vốn điều lệ trong Vinatex thuộc về các cổ đông ngoài nhà nước. Họ có những quyền lợi, có ý đồ chiến lược có thể khác với ông chủ Nhà nước khi đầu tư vào tập đoàn này. Đây là lý do mà nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp cổ phần là phải cân nhắc, dung hòa quyền lợi của các cổ đông, lợi ích của doanh nghiệp.
Nhưng vào thời điểm này, ông Trường buộc phải nhắc đến những điều luật khiến ông cảm thấy không yên tâm.
“Đọc Điều 48, Điều 49 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước, quyền và trách nhiệm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, phàm việc gì thuộc quyền hạn của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, thì người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết. Xin thì có lúc 2 tuần, có lúc 1 tháng, có lúc 2 tháng mới được, sau đó phải triệu tập hội đồng quản trị họp để biểu quyết, ra nghị quyết để cơ quan điều hành thực hiện. Nói chung, cổ đông đều không hiểu người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền hạn, trách nhiệm, vai trò và cả chuyên môn thế nào mà làm việc gì cũng phải đi xin”, ông Trường thẳng thắn.
Cách đây nhiều năm, khi Vinatex chưa cổ phần, sự chờ đợi này là đương nhiên, hay nói như ông Trường thì khi nào có ý kiến mới làm. Nhưng giờ là công ty cổ phần, quy trình này sẽ làm khó doanh nghiệp.
“Sản xuất, kinh doanh có lúc khó, lúc dễ; thị trường có lúc lên, lúc xuống; có ngành lãi, ngành lỗ. Tôi chỉ có 1 ý kiến để góp vào nội dung tiếp tục phát triển của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, đó là cơ chế quản lý người đại diện, khế ước giữa ông chủ và người đại diện phải là trọng tâm đổi mới cơ chế, đổi mới chính sách với doanh nghiệp nhà nước”, ông Trường đề xuất.
Trăn trở tìm người
Cái khó của doanh nghiệp nhà nước thực tế còn rất nhiều. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) nhắc đến không chỉ là tầng nấc quy định phải tuân thủ, mà còn cả các nhiệm vụ chính trị được giao.
“Với doanh nghiệp nhà nước, sau khi trích lập các quỹ, nộp thuế, thì phải chuyển về ngân sách, nên việc tái tạo đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh rất khó. Với doanh nghiệp như Vinafood 1, khi giá lúa xuống thấp, Nhà nước yêu cầu triển khai mua cho dân, vay tiền ngân hàng để mua lúa, để vào kho. Nhưng hôm sau, giá lại xuống tiếp, đương nhiên là thua lỗ, doanh nghiệp phải chịu, không thể đi giải trình vì sao lỗ. Hệ quả là, tỷ suất lợi nhuận thấp, trong nông nghiệp lại càng thấp. Với điều kiện này, cơ chế tuyển dụng khó khăn, quy trình 5 bước phức tạp, rất khó tìm được lao động chất lượng trên thị trường”, bà Tâm trăn trở.
Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, khi các doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1 phút để quyết định tuyển dụng nhân sự họ cần, các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cho rằng, họ không thể hút được người tài, vì doanh nghiệp nhà nước không rõ ràng trong cơ chế tự chủ trong kinh doanh, cơ chế thu nhập, tiền lương, công tác cán bộ. Đó là chưa kể đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước chỉ được thắng, không được thua.
“Chúng tôi cần cả cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trác nhiệm, vì lợi ích chung, vì chúng ta đang nói đến yêu cầu đổi mới, sáng tạo, nếu không có cơ chế thì không làm được”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank chia sẻ ý kiến.
Phát biểu với tư cách chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thừa nhận, ở đâu mà lãnh đạo tập đoàn, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc am tường về lĩnh vực của mình, có khát vọng để doanh nghiệp phát triển, thì ở đó có ý tưởng, sáng tạo có giá trị. Nhưng, cách tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp nhà nước như tuyển dụng cán bộ khu vực hành chính nhà nước, theo quy trình chặt chẽ, nhiều bước có vẻ như không hợp.
“Tuyển người cho doanh nghiệp căn cứ trên bằng cấp hay tài năng quản trị kinh doanh? Chúng ta phải thảo luận. Vì khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng phải năng động, thích ứng với thị trường, chứ không thể xin ý kiến quá nhiều. Vai trò của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, việc phân chia quyền, trách nhiệm sẽ phải làm rất rõ...”, ông Thắng nói và nhấn mạnh, sẽ phải đoạn tuyệt với cơ chế xin - chia - cho.