Sau khi thực hiện kiểm tra sau thông quan hoạt động xuất khẩu vàng của PSGC từ năm 2007 đến 2012, cơ quan hải quan đã đưa ra kết luận tại Quyết định số 946/QĐ - TCHQ ngày 1/4/2013, PSGC bị truy thu 202 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu do số vàng nguyên liệu của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không đủ hàm lượng 99,99%. Ngày 8/4/2013, PSGC đã có đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
| ||
Để được hưởng thuế suất 0%, vàng xuất khẩu phải có chứng thư giám định xác nhận có hàm lượng 99,99% trở lên |
DN khẳng định: làm đúng luật
Trong đơn khiếu nại gửi Bộ Tài chính, PSGC khẳng định không vi phạm các luật về thuế và phí, cụ thể là không thực hiện bất kỳ việc kê khai không chính xác nào về hàm lượng vàng xuất khẩu để được hưởng lợi mức thuế suất 0%.
Theo lý giải của PSGC, vàng Phước Sơn xuất khẩu có hàm lượng ít nhất là 99,99% theo các tiêu chuẩn Việt Nam về giám định vàng và theo đó, được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0%.
Cơ quan hải quan đã không thể dẫn chiếu được tài liệu hoặc thông tin hợp pháp, được công nhận theo luật pháp Việt Nam để chứng minh rằng vàng xuất khẩu của PSGC không đạt hàm lượng nói trên.
Đề cập cơ quan giám định hàm lượng vàng cho mình là Trung tâm Kỹ thuật đo lường- tiêu chuẩn - chất lượng 3 (Quatest 3), PSGC cho rằng, đây là đơn vị được cấp đầy đủ giấy phép để giám định vàng theo quy định trong các giấy phép và đáp ứng đủ các điều kiện của Luật Thương mại và các văn bản pháp lý quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Chính vì vậy, PSGC đã kịch liệt phản đối khi cơ quan hải quan cho rằng, Quatest 3 không được cấp phép để giám định vàng nguyên liệu hay các chứng thư giám định của Quatest 3 với mặt hàng vàng nguyên liệu là không đúng về nội dung và hình thức.
Điều đáng nói là, trong quá trình kiểm tra sổ sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của PSGC, cơ quan hải quan đã sử dụng kết quả phân kim của Argor-Heraues SA (Thuỵ Sỹ) được PSGC cho là không đúng với luật pháp Việt Nam.
Lý do là, Argor-Heraues SA không có hiện diện thương mại chính thức tại Việt Nam, không đáp ứng được các điều kiện theo luật định của một pháp nhân giám định theo Luật Thương mại và các quy định hiện hành của Việt Nam.
Hải quan phán: DN không đủ điều kiện hưởng thuế 0%
Lý giải cho quyết định truy thu 202 tỷ đồng thuế tại PSGC, cơ quan hải quan cho rằng, theo quy định của các luật về thuế và phí, cũng như các văn bản hướng dẫn, để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0%, thì vàng xuất khẩu phải có chứng thư giám định xác nhận lô hàng đó có hàm lượng từ 99,99% trở lên. Chứng thư này phải phù hợp với quy định tại Nghị định 20/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
Tuy nhiên, khi kiểm tra tại PSGC, có tới 3 loại văn bản xác nhận hàm lượng vàng theo các mẫu khác nhau.
Đó là Văn bản chứng nhận do Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ) cấp. Theo lập luận của hải quan, đây chỉ là chứng thư kiểm định, chứ không phải là chứng thư giám định theo quy định của pháp luật. Chưa kể việc SBJ vừa phân kim, vừa cấp chứng thư kiểm định là đã vi phạm quy định của Điều 3, Nghị định 20/2006/NĐ-CP, vì nhận chi phí để thực hiện việc phân kim này.
Văn bản do Trung tâm Vàng, thuộc Ngân hàng ACB cấp cũng được cơ quan hải quan cho là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 20/2006/NĐ-CP vẫn bởi lý do Trung tâm vừa phân kim, vừa giám định và không có con dấu đăng ký với Sở Thương mại theo quy định.
Văn bản giám định do Quatest 3 cấp cũng được cơ quan hải quan đánh giá là không đúng quy định theo Nghị định 20/2006/NĐ-CP về tên gọi, chữ ký giám định viên, dấu nghiệp vụ giám định thương mại. Đặc biệt, Quatest 3 thực hiện giám định cho kết quả phân kim của Trung tâm Vàng ACB và được thực hiện ở ngay địa điểm giám định của Trung tâm này, chứ không phải là tại địa điểm độc lập của Quatest 3 (!).
Các bên thứ ba nói gì?
Trong văn bản trả lời cơ quan hải quan, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện chỉ duy nhất Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có khả năng kiểm định vàng có hàm lượng 99,99%. Còn theo đại diện Hiệp hội Vàng Việt Nam, tổ chức này đang xúc tiến thành lập công ty giám định vàng theo Nghị định 20.
Ngay Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cũng đang đánh giá năng lực thử nghiệm chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ của các trung tâm kỹ thuật trực thuộc (trong số này có Quatest 3).
Một điểm quan trọng nữa trong vụ việc là người mua vàng của PSGC tại nước ngoài chỉ chấp nhận thanh toán tiền cho PSGC dựa trên kết quả phân kim của Argor-Heraues SA. Mà kết quả phân kim của Argor-Heraues SA lại cho thấy có sự khác nhau về hàm lượng vàng so với các giám định trong nước cấp cho PSGC, nghĩa là không phải lô vàng xuất khẩu nào của PSGC cũng được Argor-Heraues SA đánh giá đạt 99,99%.
Bởi vậy, việc hưởng thuế 0% cho vàng xuất khẩu của PSGC không được cơ quan hải quan chấp nhận, khi tiến hành hậu kiểm hoạt động DN.
Thanh Hương