Tình hình đã đến mức báo động, bởi quá nửa trong số hơn 900 giấy phép khai khoáng đã cấp vi phạm quy định hiện hành; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã và đang diễn ra tại 47/63 địa phương.
Hơn thế, qua kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phát hiện 957 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản, song tới nay vẫn chưa xử lý được đơn vị nào.
| ||
Cấp phép không đúng thẩm quyền, khai thác bừa bãi, tận thu, hủy diệt nguồn tài nguyên quốc gia đang diễn ra phổ biến |
Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 có nhiều quy định thắt chặt việc cấp phép của các địa phương, song tình trạng cấp phép bừa bãi dường như không mấy thay đổi.
Nếu 12 năm trước đó, bình quân mỗi năm, các UBND tỉnh cấp bình quân 350 giấy phép thăm dò - khai thác khoáng sản, thì sau 2 năm kể từ khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực đến nay, con số này là 480.
Điều đó cho thấy, mục tiêu hạn chế cấp phép thăm dò - khai thác khoáng sản đã bị các địa phương xem nhẹ.
Đáng nói là có địa phương còn cấp giấy phép khai không đúng thẩm quyền, chưa có quy hoạch; cấp phép cho cả doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đầu tư…
Số lượng giấy phép thăm dò - khai thác khoáng sản được cấp khá nhiều, nhưng trong số 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, những doanh nghiệp tập trung đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm thu hồi triệt để nguồn tài nguyên, chế biến sâu, bảo vệ môi trường… quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc như Vinacomin, VNSteel, Vinachem, Vicem…
Nhiều doanh nghiệp khác chỉ đầu tư ngắn hạn kiểu “hớt váng”, khai thác kiểu tận diệt, đem bán thô với giá rẻ hòng nhanh thu hồi vốn.
Khoan bàn sâu vấn đề liệu có hay không tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này (mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là có), một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do một số địa phương vì lợi ích trước mắt, muốn tăng thu ngân sách, đã buông lỏng hoặc quá dễ dãi khi cấp phép.
Đó còn do việc xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm chưa thỏa đáng, do thuế xuất khẩu khoáng sản và thuế tài nguyên chưa hợp lý...
Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên phong phú, một số loại có trữ lượng rất lớn, nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, đây là nguồn hữu hạn, không tái sinh.
Nếu tiếp tục buông lỏng hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản thì nguồn của cải mà tạo hóa ban cho, của cha ông để lại sẽ nhanh chóng mất đi, hậu quả để lại cho thế hệ mai sau sẽ khôn lường và trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều loại khoáng sản, thậm chí nhập khẩu đúng lượng khoáng sản mà doanh nghiệp đang bán đổ, bán tháo hôm nay về sử dụng.
Có lẽ giải pháp nhằm nhắc phục tình trạng trên thông qua việc công khai và đề nghị phê bình tỉnh, đơn vị chưa làm tròn nhiệm vụ kiểm soát việc cấp phép, khai khoáng vào cuối năm nay - theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường - là quá muộn, khi hoạt động khai khoáng tràn lan đang diễn ra từng giờ, hàng ngày trên cả nước.
Hy vọng rằng, việc sớm hoàn tất Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với mức phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng/trường hợp, cùng việc gấp rút ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để nâng thuế đối với 17/54 loại tài nguyên kể từ 1/1/2014 và hoàn thiện Biểu thuế xuất khẩu khoáng sản để áp mức thuế kịch trần (40%) đối với nhiều loại khoáng sản… sẽ hạn chế bớt tình trạng khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên quốc gia mà hôm nay nếu sử dụng chưa hiệu quả, thì sẽ được để lại cho thế hệ mai sau.
Mạnh Bôn