Doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhỏ muốn lớn, ai cho?
Khánh An - 05/04/2016 15:24
Mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang quá khó thực hiện. Lý do không chỉ là những rào cản hiện hữu, thường xuyên được nhắc đến như khó tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp.

Kết quả nghiên cứu mà Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố còn phát hiện, ở nhiều địa phương, dường như doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “nằm ngoài” các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Họ hầu như rất khó hoặc không hể tiếp cận các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Trung ương, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, các biểu mẫu thủ tục hành chính, thông tin về thay đổi trong quy định về thuế...            

Cơ hội được tham vấn trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh ở các cấp với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay với những điều khoản đột phá, sẽ tạo thuận lớn cho khu vực doanh nghiệp này

Hệ quả là chỉ có 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 12% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết có thể dự đoán được những thay đổi pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Trong một môi trường kinh doanh khó đoán định, thì hoạt động của doanh nghiệp rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Vẫn chưa hết. 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ phải trả chi phí chính thức không thường xuyên. Khoản chi phí này chiếm khoảng 10% doanh thu của họ. Chỉ có khoảng 20-33% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương.

Trong khi đó, các doanh nghiệp này tiếp tục than phiền về thực hiện thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng rất lớn. Điều tra PCI 2015 cho thấy, các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc là những lĩnh vực mà doanh nghiệp thấy phiền hà nhất.

Điều này lý giải vì sao, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có cảm nhận tiêu cực hơn về môi trường kinh doanh so với doanh nghiệp lớn. Con số 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp vừa và lớn là 66% còn là minh chứng cụ thể hơn cho nhận định trên.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao, phần nhiều trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa thể lớn lên bởi còn tới 97,3% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chỉ khoảng 2% là doanh nghiệp quy mô vừa.

Cũng phải nói thêm, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đi lên từ mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập doanh nghiệp. Khảo sát PCI 2015 cho thấy, 77% số doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% số doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Nghĩa là những người chủ doanh nghiệp này đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để lớn lên.

Nhiều người cho rằng, mọi việc sẽ thay đổi khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chắp bút, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay với những điều khoản đột phá, sẽ tạo thuận lớn cho khu vực doanh nghiệp này.

Nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không thể dừng hoạt động để chờ đợi. Trên thực tế, những bất ổn trong môi trường kinh doanh qua lăng kính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do khiến họ ngại lớn lên hoặc không thể lớn lên, hoàn toàn có thể thay đổi ngay và nhanh khi khu vực doanh nghiệp đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trở thành mục tiêu của các chính sách hỗ trợ, các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính. Đây là công việc và cũng là nhiệm vụ mà từng bộ, ngành địa phương cần thực hiện ngay lúc này.

Tin liên quan
Tin khác