Ngân hàng - Bảo hiểm
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn kêu đói vốn
Hà Tâm - 05/11/2015 19:24
Tại Diễn đàn "Hỗ trợ DNNVV tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh" diễn ra ngày hôm nay (5/11), ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định, 70% doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Dù lãi suất có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn hết sức khó khăn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Dù lãi suất đã dễ thở hơn, song tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó trường kỳ với DN vừa và nhỏ. Ông Cao Sĩ Kiêm cho hay, hiện nay, chỉ có 30% DN vừa và nhỏ đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, 70% DN còn lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn (lúc vay được, lúc không), dẫn đến DN khó hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Để hỗ trợ khối DN này tiếp cận vốn, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập quỹ hỗ trợ DN hay quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này không lớn.

“Quỹ hỗ trợ DN mới đưa ra chưa đi vào cuộc sống. Còn quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ thì quá nhiều điều kiện khiến DN không thể được bảo lãnh. Ví dụ, quỹ này yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp. Nếu có tài sản thế chấp, DN cần gì nhờ đến quỹ bảo lãnh nữa”, ông Kiêm nói.

Trước khó khăn của các DN trong tiếp cận vốn, ông Doãn Anh Tuấn- Giám đốc phát triển kinh doanh Khối DN vừa và nhỏ- VPBank thừa nhận, tình trạng DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn là có thật. Nguyên nhân là do sức khỏe nội tại của DN, DN không có tài sản đảm bảo. Cũng theo ông Tuấn, thông tin tài chính minh bạch là chìa khóa để DN tiếp cận ngân hàng. Phía DN cũng cần lựa chọn ngân hàng, coi ngân hàng là bạn hàng cung cấp. Quan hệ tín dụng lâu dài thì mới tạo được niềm tin.

Để ngân hàng tăng cho vay tín chấp, DN phải tạo niềm tin với ngân hàng. “Việc trở thành nhà cung cấp, đối tác cung ứng được lựa chọn bởi các DN, tổng công ty, tập đoàn lớn như Vinamilk, Vietpetro… cũng là một cách để ngân hàng cộng điểm DN khi xem xét khả năng cho vay tín chấp”- ông Tuấn nêu “bí quyết”.

Theo thông tin của NHNN, dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến thời điểm 31/8/2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các TCTD đối với DNNVV là 977.088 tỷ đồng, tăng 4,11%so với thời điểm 31/12/2014.

Tuy nhiên, trong việc tiếp cận nguồn vốn của các TCTD, các DNNVV vẫn còn gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất  trong việc cho vay đối với DNNVV là tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán, thiếu tin cậy, vì vậy TCTD thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của DNNVV. Tiếp theo đó là những hạn chế trong tiếp cận thông tin, trình độ nhân lực, quản trị dẫn tới nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược kinh doanh, làm ăn thiếu bài bản, không bền vững và chưa có kế hoạch ứng phó với sự biến động của giá cả, thị trường; năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV còn hạn chế do quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định... Những vấn đề từ nội tại nêu trên đã dẫn tới các DNNVV chưa/không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các TCTD.

Ngòai ra, cũng theo NHNN, hiện nay thị trường vốn chưa phát triển nên hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực vốn. Ngoài ra, các TCTD còn gặp khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền...

Tin liên quan
Tin khác