Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất cho vay: Quy định cứng không được quá 20%?
Nguyên Đức - 25/10/2015 19:42
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án lãi suất trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhưng nhiều đại biểu nghiêng về phương án quy định cứng “không quá 20%”.

Rất nhiều ý kiến trái chiều, nên cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức đề xuất hai phương án lãi suất trong Dự thảo Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, phương án 1, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.

Phương án 2, giữ như quy định của Dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.


Trên thực tế, ngay sau khi Dự thảo Bộ luật Dân sự được đưa ra lấy ý kiến công luận, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc Dự thảo Bộ luật quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đã đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%); đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.

Cũng có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về hai phương án lãi suất.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày hôm qua (24/10), dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, song phần đông đại biểu Quốc hội nghiêng về lựa chọn phương án thứ nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc xác định một tỷ lệ cụ thể, tối đa là 20%/năm và phụ thuộc vào khoản tiền vay sẽ đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay, thông qua đó việc cho vay nặng lãi cũng dễ dàng xác định hơn.

Tương tự, đại biểu Lê Đắc Lâm (Lâm Đồng) cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án 1. “Tôi nhất trí với phương án 1 quy định mức lãi suất có quy định ngay trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm của khoản tiền vay, mà không sử dụng lãi suất cơ bản. Vì theo thông lệ lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều chỉnh chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết trước mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay ứng hay không. Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự không phù hợp sẽ gây khó khăn cho việc chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự”, đại biểu Lê Đắc Lâm phát biểu.

Mặc dù vậy, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) lại không an tâm với cả hai phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Theo đại biểu này, mặc dù các đại biểu đa số đồng tình là 20%/năm, nhưng nếu cố định như thế thì chỉ mang thời gian ngắn, khi mà đồng tiền bị trượt, lạm phát, thay đổi này, thay đổi kia thì phần 20% này không ý nghĩa gì cả

“Nhưng nếu quy định là 200% theo phương án 2 của lãi suất cơ bản ngân hàng, thì ngân hàng từ năm 2011 đến giờ không bao giờ đưa ra lãi suất cơ bản. Tôi đồng tình với phương án 2, nhưng bỏ chữ ‘lãi suất cơ bản’, mà ghi là ‘lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định, công bố’, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Phân tích rõ hơn, vị này cho rằng, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh hàng năm theo tình hình kinh tế của đất nước, điều chỉnh theo tình hình thị trường thì “sẽ đảm bảo hơn”, hợp lý hơn.

Tin liên quan
Tin khác