Làm giàu nhờ Internet
Năm 2012, anh Nguyễn Bá Toàn vì mê món cá kho, mê kinh doanh mà bỏ nghiệp kỹ sư trở thành người bán cá kho đặc sản của làng Vũ Đại (nay là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Lập web, quảng bá món cá kho trên Internet đã giúp sản phẩm của làng quê bé nhỏ này vượt đại dương sang Mỹ, châu Âu và được cả thể giới biết đến như một địa chỉ ẩm thực qua Google. Sau vài năm kinh doanh, món cá kho quê mùa đã mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho anh Nguyễn Bá Toàn và biến Đại Hoàng thành vùng sản xuất cá kho nức tiếng trong và ngoài nước.
Internet đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường |
Cũng năm 2012, anh Phạm Đình Hà, một nhân viên điều hành tour đã lập Công ty chuyên du lịch Vietnam Unique Tours. Do phải tìm cách quảng bá tour, mời khách đặt tour trong điều kiện thời gian hạn chế, ngân sách eo hẹp, nên anh đã tìm đến Internet và Google. Việc chạy quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Search và Google Display Network đã mang lại cho anh kết quả ngoài mong đợi. Từ một văn phòng nhỏ tại Hà Nội, anh Hà hiện có 3 văn phòng và đang lên kế hoạch mở các văn phòng mới tại Thái Lan, Myanmar. Số lượng nhân viên làm việc cho công ty của Phạm Đình Hà đã tăng từ 4 lên 120 nhân viên, mỗi tháng phục vụ hơn 200 đoàn khách quốc tế, trong nước.
Trong thời gian đầu thành lập, Topica, đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến dành cho nguời trưởng thành tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2008 cũng rất khó khăn khi tìm kiếm học viên. Năm 2010, Topica sử dụng sự trợ giúp của Internet và AdWords. Giờ đây, số học viên của Topica đã tăng 10 lần, doanh số bán hàng tăng 80%. Số nhân viên làm việc cho Topica tăng từ 12 người lên hơn 1.000 người hiện nay.
Những ví dụ về việc làm giàu, kiếm tiền, mở rộng DN, tăng doanh thu… thành công trên nền tảng Internet không còn hiếm tại Việt Nam. Nhưng chỉ có một phần rất khiêm tốn trong tổng số gần 500.000 DN nhỏ và vừa nắm bắt được cơ hội này…
Đừng sợ số hóa doanh nghiệp
Lợi ích của Internet trong kinh doanh đã rõ, song điều đáng nói là, không ít DN nhỏ và vừa, cùng hộ kinh doanh cá thể “lực bất tòng tâm”, không có khả năng làm thương mại điện tử.
Bà Tammy Phan, Giám đốc đối tác chiến lược và kênh bán hàng Việt Nam của Google nhận xét, tại Việt Nam, việc số hóa của DN nhỏ và vừa còn chậm do chưa nhận thức được những lợi ích của kết nối trực tuyến, do thiếu cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, thiếu chuyên môn kỹ thuật, do thói quen dùng tiền mặt và lo ngại vấn đề bảo mật. Không ít DN cho rằng, việc số hóa tốn nhiều chi phí.
“Hiện chỉ có 20% công ty nhỏ và vừa lên mạng và có website hỗ trợ mua bán trực tuyến. Đáng lưu ý là tới 70% số người được hỏi cho biết họ gặp trục trặc khi truy cập các trang web trên điện thoại di động”, bà Tammy Phan cho biết.
Ông Kevin O’Kane, Giám đốc phụ trách mảng DN nhỏ và vừa của Google châu Á - Thái Bình Dương thì nhận định: “Mỗi DN Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gì, đều cần ứng dụng công nghệ số bởi nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong số hoá khiến các DN gần như vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới trực tuyến”. Theo ông, các DN nhỏ sẽ hoạt động tốt hơn khi có trang web mạnh. Họ có thể tăng doanh số bán hàng nhanh gấp 4 lần so với đối thủ cạnh tranh hoạt động ngoại tuyến nếu ứng dụng tốt web và các công cụ số, đặc biệt là trên điện thoại di động.
“Trong thời đại công nghệ số phát triển, trước khi bỏ ra 1 USD quảng cáo cho sản phẩm của mình, DN cần cân nhắc lựa chọn phương tiện hữu hiệu nhất để chi phí ít mà hiệu quả cao. Thời đại công nghệ số đã làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức kinh doanh mới. Đặc biệt là trong vài năm nữa, số lượng người Việt thường xuyên tiếp cận Internet có thể chiếm tới 70% dân số. Công nghệ số sẽ giúp DN ngày càng dễ tiếp cận thị trường, khách hàng ở khắp nơi trên thế giới”, ông Kevin O’Kane nói.
Thực tế ở một số nước trong khu vực cũng như tại Việt Nam cho thấy, những DN ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thực hiện thủ tục hành chính nhanh hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng nhận xét rằng, nếu tận dụng tốt làn sóng công nghệ, cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và phát triển DN nhỏ và vừa nói riêng sẽ tăng theo cấp số nhân.
“Đối với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại, còn DN nhỏ thì đang lớn lên. Công nghệ số đang tạo nên nền tảng về sự bình đẳng cho DN lớn và DN trong việc tiếp cận tri thức và tiếp cận khách hàng. Kỷ nguyên công nghệ số này đang tạo ra một thế hệ DN tuy có vốn nhỏ, nhưng trí tuệ lớn”, ông Lộc chia sẻ.