Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành Khu vực ASEAN, kiêm Trưởng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam |
Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Ông có thể cho biết, đâu là điểm nổi bật của văn bản pháp lý này?
Chúng tôi đánh giá, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng giúp hệ thống bệnh viện hoạt động hiệu quả và an toàn. Luật mới có rất nhiều điểm tích cực, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là khối bệnh viện công.
Luật cũng lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Luật tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), giúp hoạt động khám chữa bệnh triển khai nhanh, hiệu quả và có hệ thống hơn.
Luật sửa đổi sẽ tác động như thế nào đến các thành viên USABC và thị trường trong thời gian tới, thưa ông?
Luật mới có một số thay đổi rất tích cực đối với thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và các công ty thành viên của USABC thuộc ngành hàng trang thiết bị y tế nói riêng. Cụ thể, đó là các quy định tại Điều 108 (quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước) và Điều 109 (xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh chữa bệnh).
Những thay đổi trong Luật sẽ hỗ trợ ra sao đối với các cơ sở y tế, có đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp?
Đây là hành lang pháp lý giúp cho các cơ sở y tế chủ động trong việc mua sắm, thuê mượn các thiết bị y tế hiện đại, phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; tạo cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến và giúp các cơ sở y tế tăng nguồn thu nhập, tự chủ tài chính.
Chúng tôi đánh giá cao việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã đưa hình thức mua sắm trả chậm, thuê mượn trang thiết bị y tế, vì đây là nhu cầu rất cấp bách của thị trường từ lâu, nhưng chưa được luật nào công nhận.
Theo ông, còn vấn đề gì cần sửa đổi thêm trong Luật để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và phù hợp với các thông lệ quốc tế?
Từ giờ đến khi khi Luật có hiệu lực (ngày 1/1/2024), thời gian không còn nhiều, nên rất mong Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế kịp thời ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện để Luật có thể được áp dụng đúng thời hạn.
Đặc biệt, cần văn bản hướng dẫn thực hiện Chương X (Điều kiện đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có điều kiện đảm bảo về tài chính); quy trình, thủ tục thuê mượn thiết bị y tế, và văn bản hướng dẫn về tính giá dịch vụ y tế cũng như khung giá khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện có thể sớm áp dụng.