Phiên họp sáng 17/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. |
Sau khi thảo luận, 100% các vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật năm 2022, tại phiên họp sáng 17/2.
Theo tờ trình của Chính phủ, lần sửa đổi này làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó Ban soạn thảo đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách, gồm: Tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; Tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Quy định về bảm đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề; Quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có việc bổ sung, hoàn thiện các quy định đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh khi phát sinh tình huống đặc biệt chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.
Nhận xét còn một số nội dung cần phải làm cho rõ hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Liên quan đến ngân sách, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chi cho y tế dự phòng là trách nhiệm của ngân sách nhà nước, theo luật quy định hàng năm địa phương phải sử dụng 30% kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho ngành y để chi cho y tế dự phòng.
Vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua cũng còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo luật quy định còn rất chung, Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội cần trả lời rõ ràng các câu hỏi khi sửa luật, chẳng hạn như cơ chế để quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì ai quyết định? Trong khi Điều 19 Luật Giá nói là "Nhà nước mà cụ thể là Bộ Y tế quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hồi âm, nếu đưa ra một khung cứng về quy định giá dịch vụ y tế tư nhân thì sẽ không tạo được sức cạnh tranh và không phát triển y tế tư nhân.
"Chúng tôi hiện nay cũng đang rất khó ở điểm này nhưng cũng theo một nguyên tắc chung là theo cơ chế thị trường và để làm sao đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở này. Kể cả hiện nay chúng ta không quy định, không quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nhưng y tế tư nhân vẫn không phát triển được theo đúng các quy định và không đảm bảo được số lượng. Hiện nay số lượng giường bệnh của y tế tư nhân mới chỉ được khoảng 5%, trong khi mục tiêu chúng ta đề ra trong nghị quyết là phải là 10%", ông Long nói.
Theo Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội thì lần sửa đổi này cần xây dựng cơ chế điều trị ngoại viện, không đơn thuần là điều trị ngoại trú, cần quan tâm điều trị tại nhà, cơ sở sản xuất kinh doanh... đã phát sinh trong phòng chống dịch bệnh vừa qua.
Tinh thần luật này rất quan trọng và cấp bách, cho nên phải tập trung ưu tiên vào kỳ họp thứ ba cho ý kiến và nếu được thì thông qua tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nói khi phát biểu bế mạc phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó.