Thời sự
Cần sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong năm 2022
Nguyễn Lê - 23/11/2021 20:32
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Phiên họp ngày 23/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 5, ngày 23/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2022.

Với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/ 2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/ 2022).

Theo Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thì việc này thực hiện đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Chính phủ đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. các cơ quan của Quốc hội đã phân tích, đánh giá cụ thể về 8/15 nhóm chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội cũng như tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là các nội dung liên quan đến bổ sung quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề; vấn đề thi đánh giá năng lực hành nghề; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chính sách liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của nhà nước với cơ sở y tế tư nhân; vấn đề bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật...

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị chưa quyết định bổ sung ngay dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.  Ông Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình lại vào tháng 3/2022, nếu đủ điều kiện thì bổ sung  vào chương trình kỳ họp tháng 5/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, ông còn băn khoăn về nhiều chính sách quan trọng trong dự thảo luật, như về sử dụng tiền bảo hiểm y tế, mô hình “bác sĩ gia đình” hay phương thức chữa bệnh từ xa… Dó đó, cho dù việc sửa đổi thực sự rất cấp bách, nhưng Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề không thể không cân nhắc kỹ lưỡng. 

Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hoàn chỉnh thêm báo cáo đánh giá tác động để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật. Tinh thần là cần phải đảm bảo dự luật này được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 5 và thông qua vào tháng 10/2022.

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết thêm là Chính phủ cũng đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ 6 dự án luật khác để xin bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Như vậy, cùng với 2 dự án luật Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự kiến có tới 8 dự án luật sẽ trình bổ sung để Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp tháng 5/2022.

Tin liên quan
Tin khác