Doanh nghiệp
Doanh nghiệp ô tô Việt Nam khổ vì hai quy định lỗi thời
Thanh Hương - 13/01/2022 10:53
Bộ Khoa học - Công nghệ cũng có ý định bãi bỏ quy định liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Tại họp báo quý thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/1, phóng viên nêu câu hỏi về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, cũng như quy định mức rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở ASEAN áp dụng quy định này. Thêm nữa sau gần 20 năm triển khai quy định phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa và quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, các quy định nêu trên liệu có có còn phù hợp với thực tiễn, phóng viên nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với linh kiện, cụm linh kiện ô tô thực hiện theo Quyết định 28 từ năm 2004 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định thấy có nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn, cần thay đổi để phù hợp với các nội dung FTA mà Việt Nam đang kí với các nước. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành thay đổi các quy định về vấn đề này.

"Bộ Công Thương, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất ôtô, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để thay đổi các quy định nêu trên”, ông Hải nói.

Sau gần 20 năm triển khai quy định Phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa và quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, nhiều đơn vị, chuyên gia đồng ý về việc thay thế quy định này, để phù hợp với bối cảnh hộp nhập.

Chính Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã có ý định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật, liên quan tới phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Theo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, sau gần 20 năm triển khai các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô. Do đó, Vụ đã có tờ trình về việc bãi bỏ quy định này, để phù hợp với thời điểm hiện tại.

Trao đổi với phóng viên về quy định mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho biế, quy định về mức độ rời rạc chỉ duy nhất Việt Nam có, trong khi đó, các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới không hề có quy định này, hoặc đã loại bỏ từ rất lâu.

“Mục đích của việc ban hành quy định về mức độ rời rạc linh kiện là bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Nói một cách khác, quy định này sẽ là “lá chắn” bảo hộ cho ngành công nghiệp phụ trợ ô tô. Thế nhưng, quy định về mức độ rời rạc đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới”, ông này nói.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại (FTA), như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Các Hiệp định này đều yêu cầu các bên cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với ô tô nhập khẩu và linh kiện ô tô nhập khẩu, theo lộ trình và sẽ tiến tới mức thuế 0% trong thời gian tới.

“Cũng vì có quy định này, nên rất nhiều nước đối tác FTA đã yêu cầu Việt Nam giải trình, nhất là các nước trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, để “chơi” theo luật quốc tế, Việt Nam phải có quy định mới thay thế. Do vậy, bản thân tôi ủng hộ Dự thảo của Bộ Khoa học - Công nghệ là bãi bỏ các văn bản đã hết tính pháp lý và lỗi thời”, đại diện doanh nghiệp nói trên nhận xét.

Căn cứ ban hành quy định về tỷ lệ nội địa hóa với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu trước đây là dựa vào Quyết định175/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020.

Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg đã thay thế toàn bộ Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 đã chấm dứt hiệu lực Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 177/2002/QĐ-TTg).

Thêm vào đó, Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg cũng sử dụng khái niệm “tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô” thay thế cho khái niệm “tỷ lệ nội hóa ô tô” tại Quyết định 175/2002/QĐ-TTg.

Như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg hết hiệu lực, các văn bản pháp luật của Bộ Khoa học Công nghệ ban hành dựa trên các căn cứ này là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện cũng hết hiệu lực
Tin liên quan
Tin khác