Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không còn cần thiết khi chủ trì việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp. |
Một lần nữa, mục tiêu tiếp tục làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho các nhà đầu tư được thể hiện rõ, bởi đây là cách hữu hiệu nhất trong thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, để thực hiện việc này, một vài văn bản luật sẽ không đảm đương hết, nhưng nếu tuân thủ đúng nguyên tắc không để đất cho bất cứ thủ tục hành chính không cần thiết, không còn mục tiêu quản lý nhà nước; còn tồn tại những điều kiện kinh doanh vô lý, thì “đất” cho cơ hội kinh doanh an toàn, rẻ tiền, hiệu quả sẽ hiện hữu.
Theo thông tin từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động, có kết quả sản xuất, kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 là 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng thời điểm năm 2016.
Trong số này, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 53%, áp đảo so với tỷ lệ 28,8% của doanh nghiệp nhà nước và 18,1% của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, lợi nhuận mà khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra trong năm 2017 lại thấp hơn đáng kể so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mức tương ứng là 33,3% và 43,8%.
Ngoài lý do năng lực cạnh tranh nội bộ mà doanh nghiệp cần phải cải thiện, câu hỏi “Doanh nghiệp đã thực sự là công cụ kinh doanh rẻ, an toàn chưa?” có lẽ phải tiếp tục đặt ra từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời là “chưa” cho câu hỏi này. Vì vậy, đã đề xuất tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không còn cần thiết khi chủ trì việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Đó là thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; thủ tục hoàn toàn các thủ tục hành chính về dấu; bãi bỏ yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh phải định kỳ gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; bãi bỏ yêu cầu nộp Điều lệ doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp…
Đây là những thủ tục liên quan đến khởi sự kinh doanh ở Việt Nam. Hiện số thủ tục và thời gian để hoàn tất việc này là 8 bước thủ tục và khoảng 17 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ và thời gian chờ), xếp hạng thứ 104/190 quốc gia và nền kinh tế về quá trình khởi sự kinh doanh.
Nếu các đề xuất trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được chấp thuận, thì số thời gian sẽ giảm được khoảng 7 ngày. Số thủ tục và thời gian còn lại nằm trong các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng, Luật về quản lý thuế… Như vậy, dư địa để cải cách, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường còn lớn.
Phải nhắc đến một mục tiêu của Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Nếu các giải pháp tương tự được thực hiện đồng thời, thì khả năng đạt được các mục tiêu trên không phải quá xa. Nhưng quan trọng, khi chi phí gia nhập thị trường, chi phí hoạt động sản xuất – kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn thì đó sẽ là van chính mở các nguồn vốn chảy vào thị trường.