Lợi nhuận quý IV/2021 của Đạm Phú Mỹ gấp rưỡi khoản lãi thu về trong 2 năm liền trước. |
Một quý kinh doanh bằng hai năm cộng lại
Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Đạm Phú Mỹ báo lãi trước thuế vượt 2.000 tỷ đồng trong một quý kinh doanh. Con số lợi nhuận của quý IV/2021 gấp rưỡi khoản lãi thu về trong 2 năm liền trước. Theo lãnh đạo Công ty, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng là nguyên nhân khiến doanh thu quý vừa qua đạt gần 5.070 tỷ đồng, gấp 2,57 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 20% hồi quý IV/2020 lên tới 46,6% đã giúp lợi nhuận quý IV/2021 cao gấp 15 lần cùng kỳ.
Tương tự, tại Đạm Cà Mau, lợi nhuận thu về trong quý IV/2021 cũng ngang ngửa kết quả kinh doanh của 2 năm. Đạm Hà Bắc - doanh nghiệp đã liên tục thua lỗ từ năm 2015 - đã bắt đầu kinh doanh có lãi từ quý III/2021, với lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 đạt gần 297 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Dù gặp khó vì giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và thế giới tăng cao, cùng những hạn chế về vận tải do chi phí và ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các chi phí này đều được bù vào giá bán ra cho khách hàng.
Tính riêng hơn 10 công ty sản xuất và kinh doanh phân bón trên sàn chứng khoán, quy mô doanh thu năm 2021 mở rộng thêm 47%. Còn xét về lợi nhuận, nhờ không phải “gánh” thêm khoản lỗ cả ngàn tỷ đồng của Đạm Hà Bắc, nhóm phân bón cũng được năm lãi lớn, với phần nhiều lãi gấp vài lần năm trước.
Đạm Phú Mỹ, Đạm Bắc Hà hay DAP-Vinachem là các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (trên 50% so với năm 2020). Đạm Bắc Hà lần đầu chuyển lãi sau nhiều năm thua lỗ. Đạm Phú Mỹ hay DAP-Vinachem cũng là những “gương mặt” tăng trưởng lợi nhuận vượt trội.
Doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ tăng 65%, đạt 12.786 tỷ đồng và tiếp tục là doanh nghiệp phân bón đạt mức doanh thu lớn nhất. “Ông lớn” này báo lãi gấp 4,48 lần năm 2020, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.800 tỷ đồng.
Tại Đạm Cà Mau, dù đạt 99% kế hoạch sản lượng tiêu thụ, song lợi nhuận trước thuế đạt 2.056 tỷ đồng, gấp 2,1 lần kế hoạch đề ra. Công ty này cũng ghi nhận mức doanh thu, lợi nhuận cao nhất đạt được trong 10 năm hoạt động.
Lại thêm một cơn bão giá?
Giá bán tăng là một trong nguyên nhân quan trọng được lãnh đạo các doanh nghiệp phân bón nhắc đến khi nhìn lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình trong năm 2021. Nguyên nhân đẩy giá phân bón thế giới tăng và cũng mở thêm cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp phân bón Việt Nam năm qua còn là chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước lớn trong thị trường này.
Giá phân bón toàn cầu, nhất là giá urê, đã có giai đoạn hạ nhiệt vào đầu tháng 1/2022, giảm khoảng 12% so với giữa tháng 12/2021, nhưng xu hướng này không duy trì được lâu. Biến động bất ngờ từ cuộc chiến tại Ukraine và những động thái đáp trả hoạt động của Nga từ các nước châu Âu, Mỹ, châu Á… đang gây ra xáo động lớn trên thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu.
Ngay ngày 24/2, khi Nga tấn công Ukraine, hợp đồng tương lai urê trên thị trường hàng hóa New Oleans (Mỹ) đã tăng 25%. Năm 2021, Nga là quốc gia xuất khẩu urê và NPK lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, việc Nga gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sẽ tạo cơ hội do các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón hưởng lợi do sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới.
Khác với thời điểm một năm trước, đà tăng của giá phân bón đã khiến nhiều doanh nghiệp tích trữ tồn kho nhiều hơn. Như tại Đạm Phú Mỹ, tồn kho tính đến ngày 31/12/2021 đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong quý IV/2021 và chiếm 20% tổng giá trị tài sản.
Năm trước, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phân bón được so sánh với mức cơ sở thấp khi ngành này mới thực sự phục hồi từ cuối năm 2019, nên tăng trưởng lợi nhuận nhóm phân bón trong năm nay khó đạt được mức 3 chữ số như năm 2021. Lãnh đạo hai doanh nghiệp phân bón lớn là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều rất thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2022. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất năm nay của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau chỉ dự kiến đạt lần lượt là 30% và 26% kết quả của năm 2021.
Với vai trò là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, giá phân bón tăng nhanh và liên tục thời gian qua có thể sẽ buộc cơ quan quản lý có những chính sách kiềm chế đà tăng để bảo vệ nông dân. Theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu urê có thể được áp dụng để đảm bảo an ninh lương thực và hạ nhiệt giá urê trong nước. Đây cũng là biện pháp đã được các nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc và Nga áp dụng.
Với phân bón DAP, thuế tự vệ để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước phân bón nhập khẩu vẫn đang được áp dụng. Khi giá phân bón neo cao, việc điều chỉnh thuế tự vệ để kích thích nhập khẩu nhằm giảm giá bán trong nước cũng có thể được xem xét đến.