Doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ gặt hái trái ngọt từ chuyển đổi số
Hồng Phúc - 04/10/2019 13:27
Chuyển đổi số có thể trở thành động lực đẩy con thuyền doanh nghiệp tiến về phía trước. Ngay cả với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ gặt hái được lợi ích, nếu lãnh đạo doanh nghiệp hiểu về chuyển đổi số, cũng như có tầm nhìn dài hạn.
Chuyển đổi số không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà còn là cơ hội của khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ảnh: Đ.T

Vượt qua nỗi sợ mất dữ liệu

Khi nghĩ về làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hàng ngàn năm tuổi, thì thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai là cái tên đầu tiên được nhiều người nhắc đến. Doanh nghiệp này không chỉ có 3 xưởng sản xuất, diện tích khoảng 2.000 m2, mà còn sở hữu toà nhà 10 tầng chuyên dùng để trưng bày sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để có được thành công như hôm nay, Hướng Mai đã không ngừng đầu tư trang thiết bị sản xuất, số hóa hoạt động kinh doanh.

Được biết, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà và ông Ninh Gia Hạnh, Tổng giám đốc Công ty MyXteam là 2 đối tác hỗ trợ Hướng Mai áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh từ thợ tại xưởng đến nhân viên thiết kế, giám đốc kinh doanh…

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, bước đầu tiên để chuyển đổi số là đưa những tác nghiệp hiện hữu chuyển đổi lên công cụ số để từng bước có dữ liệu chung của doanh nghiệp. Bước thứ hai là cho dữ liệu kết nối liên thông với nhau và phân quyền ai được vào dữ liệu nào. Bước cuối cùng mới là lúc doanh nghiệp cần mua “đồ chơi” của các hãng công nghệ nổi tiếng.

“Nếu chưa có dữ liệu tập trung và kết nối liên thông với nhau, đừng nói đến chuyển đổi số. Đó là bước đầu tiên cần làm. Nếu không hiểu điều này, mà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nghe về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…, sẽ càng rối và sợ chuyển đổi số”, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà chia sẻ.

Nhưng nỗi lo của các doanh nghiệp như Hướng Mai khi đã đi đúng hướng, bắt đầu tập hợp dữ liệu tập trung lại là vấn đề bảo mật thông tin, thậm chí sợ bị tống tiền khi mất cơ sở dữ liệu này.

“Khi anh Thái Hoà đến và chia sẻ về chuyển đổi số, tôi như đi trên mây. Là người “ngoại đạo”, không phải dân công nghệ, nên tôi phải hỏi đi hỏi lại để có thể hiểu về tầm quan trọng của nó. Chuyển đổi số có thể giúp tăng trưởng doanh thu hàng trăm lần, nhưng tôi băn khoăn và lo rủi ro về bảo mật thông tin”, bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Hướng Mai lo ngại về kho dữ liệu khách hàng, bản vẽ… một ngày nào đó sẽ “không cánh mà bay”.

Giải pháp chỉ là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khả năng mất dữ liệu có thể xảy đến với tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô, thậm chí với các doanh nghiệp công nghệ. Do đó, theo ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, cần đa dạng hoá nơi lưu trữ dữ liệu.

“Hacker có thể đánh cắp mã số dữ liệu. Lập trình viên của chúng ta đã mã hoá thông tin thành dữ liệu chung, ai lấy dữ liệu đó muốn xài được thì phải giải mã. Trên con đường giải mã ấy thì vô vàn điểm mà người lập trình đã đặt mật khẩu. Việc giải mã là cực kỳ nhiêu khê. Do đó, tại sao lại sợ máy làm mất mà không phải con người trong chính nội bộ có thể bán trực tiếp dữ liệu đó đi”,  ông Nguyễn Hữu Thái Hoà chia sẻ và cho rằng, mối lo sợ mất dữ liệu đến từ sự thiếu hiểu biết về dữ liệu của lãnh đạo doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy người đứng đầu

Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không hiểu rõ về chuyển đổi số hoặc không có kỷ cương khi dẫn dắt sự thay đổi này sẽ là trở ngại cho quá trình áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), rủi ro lớn nhất sẽ đến nếu lãnh đạo doanh nghiệp không biết mình muốn gì trong 5-10 năm tới để phân bổ nguồn lực.

Tại PNJ, hệ thống công nghệ được xem là “xương sống” của sự phát triển. Công ty sẵn sàng đầu tư khoản tiền không nhỏ cho công nghệ, nhưng cũng có những dự án có thể tự phát triển từ đội ngũ nội bộ, hoặc hợp tác phát triển với đối tác bên ngoài.

Ông Thông lý giải, PNJ nhìn nhận, chuyển đổi số là quá trình tiến hoá, thừa kế những lợi điểm cũ và đào thải tự nhiên những thứ không phù hợp. Đã nói đến tiến hoá thì không có điểm dừng, mà là một quá trình liên tục.

“Chúng tôi phải tiến hoá cả phần cứng là hệ thống và phần mềm là tư duy, từ bộ phận sản xuất đến bán lẻ. Không chỉ áp dụng ERP (giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp) đã là chuyển đổi số, mà còn phải chuẩn bị con người, cách làm chuyển đổi số để cùng với thời gian, điều đó sẽ trở thành văn hoá. Sự tiến hoá này không phải câu chuyện mang tính xu hướng, mà tùy định hướng kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Lê Trí Thông chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà cho rằng, trước hết, doanh nghiệp cần hiểu khái niệm chuyển đổi số bao gồm những giao dịch điện tử và các tác nghiệp số. Giao dịch điện tử là những tác nghiệp tự động và việc đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu, chứ không phải cảm tính. Do đó, các doanh nghiệp không thể đốt cháy giai đoạn, ngay từ đầu đã tập trung vào công đoạn cuối là mua phần mềm ERP, “đồ chơi” công nghệ khi chưa có dữ liệu số và dữ liệu này chưa được kết nối liên thông. 

“Thay đổi tư duy người đứng đầu, vượt qua nỗi sợ là điều đầu tiên để sẵn sàng bước vào chuyển đổi số. Thứ hai là hiểu định hướng phát triển doanh nghiệp trong 5-10 năm tới để vạch ra lộ trình chuyển đổi số”, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà nói.

Chuyển đổi số được đánh giá không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà còn là lợi thế, cơ hội của khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bởi tính linh hoạt, sáng tạo và sẵn sàng học hỏi cái mới. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, những công ty lớn không còn đánh bại công ty nhỏ nữa, mà sẽ là người nhanh đánh bại kẻ chậm.

Nhận định về khó khăn khi chuyển đổi số ở một doanh nghiệp lớn như công ty của mình, ông Lê Trí Thông cho biết, với đội ngũ 6.000 người trong hệ thống PNJ, nên từ ý tưởng đến thực thi đều cần mất thời gian nhiều hơn.

“Doanh nghiệp nhỏ có thể chuyển đổi số ngay từ đầu, còn chúng tôi, một mặt vừa áp dụng chuyển đổi số, mặt khác phải đối mặt sự tự cao của chính mình, về công thức thành công 30 năm qua”, Tổng giám đốc PNJ chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác