Để chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải bắt đầu từ đầu tư hạ tầng. |
Thế giới kết nối
Theo các chuyên gia công nghệ, bài toán phức tạp đối với các nhà quản lý doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ là việc tự phân tích chính mình. Tính chất của từng doanh nghiệp khác nhau, khiến bức tranh về thị trường công nghệ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình vạn trạng. Một phương án đầu tư cơ sở vật chất, con người cho công nghệ đã áp dụng thành công ở doanh nghiệp này chưa hẳn là giải pháp tốt áp dụng hiệu quả đối với doanh nghiệp khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ thuộc Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC TS cho biết, để tìm ra cho riêng mình con đường chính xác cần phải bước đi trong tiến trình công nghệ hóa hoạt động, doanh nghiệp phải hiểu được năng lực nội tại và nhu cầu cốt lõi của chính doanh nghiệp mình.
Chỉ xét riêng về quy mô, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có 2 xu hướng phù hợp cho từng mức độ quy mô của họ. Lợi thế của doanh nghiệp lớn là năng lực tài chính mạnh, thường có điều kiện tốt thực hiện các mô hình đầu tư bài bản. Song, doanh nghiệp nhỏ không vì thế mà không có lợi thế riêng, do sự đầu tư thường chưa sâu nên dễ dàng nắm bắt ngay những thay đổi mới nhất trong nhịp sống công nghệ. Lời giải phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này là bắt thẳng vào những giải pháp có thể giải quyết ngay được những vấn đề trước mắt, từng bước làm chủ công nghệ.
Ngoài việc tìm được mô hình phù hợp cho mình, doanh nghiệp còn vướng một trở ngại nữa, đó là sự chuyển đổi quá nhanh của công nghệ. Có những hệ thống đầu tư rất lớn, nhưng lạc hậu chỉ sau một thời gian ngắn, dẫn đến việc doanh nghiệp bị “lỡ đà” trong dòng chảy chung.
Do đó, thị trường công nghệ đã hình thành nhu cầu kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với một nền tảng chung được cập nhật hàng ngày, giới chuyên môn gọi đó một “Digital Hub”.
Nhà máy thông minh
Trong bức tranh đầu tư lớn của doanh nghiệp, suy nghĩ có tính truyền thống thường hướng đến một hệ thống nhà máy mà trong đó việc làm cho các tài sản trở nên “thông minh”, có thể hoạt động với hiệu suất tối ưu là điều rất sát sườn với lợi ích của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Kim Cương, Phó tổng giám đốc CMC TS cho biết, có những doanh nghiệp đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị rất hiện đại, tính tự động hóa cao, nhưng lại hoạt động đơn độc trong hệ thống quản trị của toàn bộ công ty. Chỉ những kỹ sư chuyên môn mới nắm được trạng thái vận hành của hệ thống, trong khi các nhà quản lý công ty (Hội đồng Quản trị, Ban điều hành…) không hề có thông tin gì từ bộ phận sản xuất, hoặc cần phải thông qua quy trình báo cáo truyền thống.
Sự kết nối giữa bộ máy quản trị và sản xuất là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp qua các ứng dụng chuyển đổi số phù hợp. Theo đó, Ban tổng giám đốc hay bộ phận bán hàng chỉ cần qua chiếc smartphone là có thể kiểm tra tức thời trạng thái sản xuất để ứng xử nhanh chóng với khách hàng.
Ngoài ra, một vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp là làm sao để nâng hiệu suất cho một nhà máy đã cũ kỹ với những thiết bị máy móc rời rạc (mà không phải đầu tư để thay đổi một hệ thống dây chuyền hiện đại hơn). Một trong những giải pháp có thể khắc phục vấn đề này là cấy thêm vi mạch, cảm biến vào những cỗ máy cũ để từng bộ phần rời rạc trước đây thành một chuỗi dây chuyền có tính tự động cao hơn.
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ hạ tầng
“Đa phần doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số gặp phải 2 vấn đề lớn là thiếu nhân sự và hạ tầng phù hợp. Để khắc phục những khó khăn trên, các nhà cung ứng dịch vụ công nghệ đưa ra các giải pháp cung cấp những nền tảng có sẵn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và tối ưu hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ”.
Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm VAS- CMC Telecom