Doanh nghiệp
Doanh nghiệp tại Bình Dương bộn bề lo lắng khi di dời
Lê Quân - 02/10/2022 08:09
Hàng ngàn doanh nghiệp tại Bình Dương vô cùng lo lắng khi việc di chuyển vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây nhiều khó khăn, phát sinh chi phí lớn trong sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa

Khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp

Bình Dương đã có Đề án Di dời doanh nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) từ cách đây 3 năm. Thế nhưng, đến nay, việc di dời vẫn chưa thể thực hiện vì vướng mắc quá nhiều thứ, thậm chí doanh nghiệp có thể bị phá sản. Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời vừa diễn ra, các doanh nghiệp nêu ra hàng loạt khó khăn “bủa vây” họ.

Đầu tiên là vấn đề lao động. Ông Lưu Tấn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tison cho biết, ngay tại TP. Thuận An, Công ty đã rất khó tuyển công nhân. Nếu phải di dời lên các KCN,CCN phía Bắc tỉnh (giáp Bình Phước), thì việc tuyển dụng càng khó khăn hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất khi phải di dời đến địa điểm mới.

Có lẽ lo lắng nhất về vấn đề tuyển lao động là các doanh nghiệp da giày. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương băn khoăn, các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất ở vị trí cũ, khi di dời đến vị trí mới, lao động cũ liệu có đi theo doanh nghiệp. Hiện công nhân đã ổn định nhà cửa, nơi học của con, nếu phải chuyển đến địa điểm mới quá xa, thì họ sẽ bỏ doanh nghiệp. “Việc di dời ồ ạt, nếu không làm không tốt, sẽ kéo theo tình trạng tranh giành lao động”, bà Liên lo ngại.

Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi các doanh nghiệp tại Bình Dương đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 2.282 doanh nghiệp tại địa phương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.800 lao động, trong đó cần tuyển 73.000 lao động phổ thông. Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường chỉ đạt khoảng 51%. Vấn đề này chắc chắn trở nên bức thiết hơn khi Bình Dương mở thêm nhiều KCN về hướng Bắc giáp tỉnh Bình Phước.

Một khó khăn nữa khiến doanh nghiệp “đau đầu” là phát sinh chi phí liên quan đến vận chuyển, khi quãng đường từ địa điểm mới đến cảng sẽ xa hơn khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn. Đại diện một doanh nghiệp gỗ ở TP. Dĩ An cho biết, hiện doanh nghiệp vận chuyển hàng xuất khẩu từ Dĩ An đi TP.HCM hoặc Đồng Nai với quãng đường từ 25 đến 30 km. Khi phải di chuyển đến các KCN giáp Bình Phước, quãng đường sẽ tăng gấp ba lần, chi phí cho mỗi chuyến hàng cũng đội lên rất cao.

Cơ chế thiếu hấp dẫn khó “giữ chân” doanh nghiệp

Theo ông Vương Siêu Tín, Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, các công ty đã đầu tư sản xuất - kinh doanh ổn định trong thời gian dài trên đất đang có, khi di chuyển vào chỗ mới, lại phải mất tiền thuê đất. Ông đề nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ về tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đồng thời sắp xếp các khu vực chuyển đến cho phù hợp, nếu không, các doanh nghiệp sẽ chuyển qua tìm hiểu môi trường đầu tư của địa phương khác.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, đang tính toán các giải pháp, kể cả việc chuyển qua các tỉnh lân cận để giảm chi phí và thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh. Theo đại diện một doanh nghiệp gỗ ở TP. Dĩ An, khi chuyển lên các KCN giáp Bình Phước, chi phí vận tải quá cao, nên doanh nghiệp đang tính toán có thể chuyển về Đồng Nai, vì quãng đường vận chuyển gần hơn, chi phí phát sinh ít hơn và đằng nào doanh nghiệp cũng vẫn phải xây lại nhà xưởng từ đầu.

Theo Quyết định số 3210/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp khi di dời vào các KCN, CCN sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi vay để nâng cấp công nghệ, xây dựng cơ sở mới, tháo dỡ nhà xưởng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ rất ít so với chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để di dời. Vì vậy, Bình Dương cần tính toán lại các cơ chế để hỗ trợ thỏa đáng cho doanh nghiệp phải di dời đến địa điểm mới.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương chia sẻ nỗi lo của các doanh nghiệp. Việc di dời là chủ trương lớn của tỉnh nhằm thực hiện chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. “Tỉnh sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để ban hành chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Dành nhấn mạnh.

Lộ trình di dời các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư tại Bình Dương vào các KCN, CCN: TP. Thuận An từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2028; TP. Dĩ An từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP. Thủ Dầu Một từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TX. Tân Uyên từ tháng 1/2024 đến 12/2029; TX. Bến Cát từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Có tổng cộng 2.888 doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, với tổng số lao động là 288.481 lao động.

Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN,CCN tỉnh Bình Dương chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp (không tính hộ cá thể).
Tin liên quan
Tin khác