Nhiều doanh nghiệp nhà ở “lấn sân”
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, họ đã trải qua một năm 2023 đầy ác mộng. Mảng sản phẩm đất nền dự án gần như “đóng băng”.
Trước bối cảnh đó, từ một đơn vị chuyên làm dự án bất động sản thương mại, nhà ở, doanh nghiệp này đã quyết định đầu tư “tất tay” vào các KCN. Thậm chí, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2024 do Báo Đầu tư tổ chức.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của nhiều doanh nghiệp địa ốc, không ít đơn vị “tay ngang” cũng đã thể hiện rõ tham vọng “lấn sân” sang phân khúc bất động sản công nghiệp.
Chẳng hạn, mới đây, Công ty Hà Đô - chủ đầu tư nhiều chung cư - bắt đầu nghiên cứu lập quy hoạch các dự án bất động sản KCN tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Cần Thơ, Ninh Thuận.
Tương tự, Taseco Land, một doanh nghiệp vốn nổi danh từ các dự án nhà ở, cũng có động thái “tiến công” vào thị trường bất động sản công nghiệp.
Vào tháng 5/2024, doanh nghiệp này đã vay vốn từ các ngân hàng VietinBank và BIDV với tổng số tiền gần 1.708 tỷ đồng, để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đồng Văn III (Hà Nam). Đây là dự án đánh dấu sự khởi đầu của Taseco Land trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN.
Một đơn vị chuyên làm nhà ở khác là Nhà Khang Điền cũng đã “đặt một chân” sang phân khúc bất động sản công nghiệp. Trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Mai Trần Thanh Trang cho biết, Dự án KCN Lê Minh Xuân mở rộng (TP.HCM) đã hoàn thành pháp lý giai đoạn I và dự kiến mang lại nguồn tiền từ năm 2025.
Ngoài ra, BCG Land, doanh nghiệp chuyên làm khu đô thị và dự án du lịch nghỉ dưỡng, cũng không thể khước từ sức hút từ bất động sản công nghiệp. Lãnh đạo đơn vị này định hướng đến năm 2028, Công ty sẽ tìm kiếm thêm đối tác để tham gia đầu tư phân khúc này.
“Ngôi sao hy vọng” của thị trường bất động sản
Trong Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam (VWAS) 2024, do Báo Đầu tư tổ chức, khi khảo sát về những nhóm ngành được nhà đầu tư tin tưởng đưa vào danh mục đầu tư cổ phiếu, bất động sản KCN là một trong những ngành được lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ lên tới 44%. Con số này cao hơn cả bán lẻ (39%), bất động sản dân cư (32%) và chỉ xếp sau ngân hàng (62%). Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang rất tin tưởng vào triển vọng phát triển của phân khúc này.
“Kể từ cuối năm 2023 tới nay, thị trường địa ốc vẫn mới bước vào tiến trình hồi phục, chưa thực sự chấm dứt khó khăn. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn luôn là ‘ngôi sao hy vọng’ của thị trường”, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - VARS), chia sẻ.
Vị này còn tiết lộ thêm rằng, VARS cũng đang hỗ trợ, kết nối nhiều doanh nghiệp địa ốc “tay ngang” chuyển sang làm bất động sản công nghiệp.
“Gọi là ‘tay ngang’ nhưng họ thực chất đều đã âm thầm nghiên cứu, tìm kiếm đối tác trong mảng bất động sản công nghiệp. Nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đã được nhen nhóm từ cuối năm 2022 và rục rịch sôi động hơn trong năm 2023”, bà Miền cho biết.
Chẳng hạn, lãnh đạo Taseco Land đã có định hướng mở thêm mảng đầu tư bất động sản hạ tầng KCN từ 2 năm trước. Nhưng phải đến đại hội cổ đông thường niên năm 2024, những người đứng đầu đơn vị mới chia sẻ ý định này.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản công nghiệp không phải là “vườn địa đàng” của mọi doanh nghiệp. Đại diện một công ty chia sẻ, họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
“Đến nay, chúng tôi vẫn không rõ về bộ tiêu chí chung dành cho doanh nghiệp thực hiện ESG. Ngoài ra, số tiền phục vụ việc nâng cấp, xây mới hạ tầng để đáp ứng tiêu chí cũng rất lớn, nhất là trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp chưa bình phục hoàn toàn”, đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, các doanh nghiệp sẽ phải lường trước những thách thức khi tìm đến đầu tư phân khúc này. Chẳng hạn, trong năm nay, việc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng có thể làm khách thuê “chùn tay”. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho các KCN mới cũng sẽ cao hơn, do giá đất đi lên và quá trình thu hồi đất kéo dài.