Bộ Công thương vừa ra thông báo để trấn an dư luận về tác động của vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã nhận được công văn của 7 nhà sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đề nghị loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi điều tra với lý do chưa đủ tính pháp lý để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này (yếu tố về tăng nhập khẩu đột biến, nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng, tác động kinh tế xã hội).
Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phản đối nêu trên (dự kiến vào đầu tháng 4/2016) để làm rõ cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Chứng cứ và cơ sở lập luận của các bên liên quan đối với vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo cuối cùng của vụ việc.
Bộ Công Thương bảo đảm sẽ phân tích, đánh giá tất cả các ý kiến bình luận liên quan đến vụ việc dựa trên quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra báo cáo cuối cùng trên cơ sở khách quan, có tính đến lợi ích kinh tế xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.
Theo Bộ Công thương trên thị trường hiện nay không có doanh nghiệp thép nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ trên 30% trở lên) |
Đối với ý kiến về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn hiện nay trên thị trường, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, với thuế tự vệ tạm thời là 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho sản phẩm thép dài sẽ giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép dài trong nước. Trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên).
Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 doanh nghiệp lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường phôi thép là 1.390, xếp vào loại thị trường tập trung ở mức độ vừa phải.
Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường thép dài là 741, xếp vào loại thị trường không mang tính tập trung.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời, giá thép trong nước cũng như nhập khẩu đều gia tăng.Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, việc giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100USD/tấn là do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng vào thời gian này dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.
Có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, Bộ Công Thương cho rằng, khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra.
Ngoài ra, để đảm bảo xem xét tất cả các khía cạnh của vụ việc khi đưa ra kết luận cuối cùng, ngày 17/3/2016, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp nguyên đơn đề nghị báo cáo tình hình giá bán mặt hàng phôi thép và thép dài trước và sau khi có Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Bộ cũng có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị Hiệp hội phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường, kịp thời thông báo cho Bộ Công Thương.