Các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BKHCN cho phù hợp với thị trường |
Doanh nghiệp kiến nghị gì?
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ..., 33 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ với 33 con dấu và 33 chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp được đặt cạnh bên nhau.
Các doanh nghiệp cùng chung đề nghị được áp dụng song song hai tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm thép không gỉ. Một là, tiêu chuẩn chất lượng quốc gia TCVN 10356:2017 (Theo QCVN20:2019/BKHCN). Hai là, tiêu chuẩn cơ sở của các nhà cung cấp vào thị trường Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, thép không gỉ dạng nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các chủng loại áp dụng tiêu chuẩn cơ sở: Mặt hàng thép không gỉ dạng cuộn đang được các nhà cung cấp như WUHAN, Tsingsang đưa vào thị trường Việt Nam hiện đang áp dụng tiêu chuẩn J1, J2, J3, WHJ4... Hàng thép không gỉ dạng dây áp dụng tiêu chuẩn 669, CU200...
Tại sao không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở?
Mọi việc bắt đầu từ Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ. Thông tư này được ký ban hành ngày 15/11/2019, có hiệu lực vào ngày 1/1/2020.
Theo điều 4 của Thông tư này quy định, kể từ ngày 1/6/2020, thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 20:2019/BKHCN do Thông tư này ban hành, phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường.
Như vậy, gần như toàn bộ nguyên liệu đầu vào cho ngành thép không gỉ tại Việt nam kể từ 1/6/2020 sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác và không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
Theo 33 doanh nghiệp ký tên vào đơn kiến nghị, tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở - tiêu chuẩn do doanh nghiệp công bố - chiếm phần lớn tỷ trọng trên thị trường thép không gỉ.
Lý do, ngoài giá thành phù hợp, loại thép này phù hợp với đa số điều kiện môi trường, khí hậu mà không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm có giá thành cao hơn - nghĩa là sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.
Nhưng đặc biệt là, các sản phẩm thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do các nhà sản xuất công bố của Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Phi...
“Việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực mà dừng lưu thông các chủng loại thép không gỉ đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở không những làm mất đi tính đa dạng của các loại san phẩm, mà còn làm mất đi khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Hơn thế, thị trường thép không gỉ dạng nguyên liệu, các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng...”, các doanh nghiệp phân tích trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Thiếu mã HS
Danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 20:20/BKHCN đã không có hàng thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật.
Đây là những chủng loại được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.
Như vậy, theo các doanh nghiệp, kể từ khi Thông tư có hiệu lực vào ngày 1/6/2020, riêng loại théo không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật có tiêu chuẩn cở sở vẫn được lưu thông trên thị trường. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại, đây là “cơ hội vàng” để các nhà sản xuất nước ngoài đưa mặt hàng ống thép không gỉ vào Việt Nam, khi mà các nhà sản xuất tại Việt Nam bó tay vì không có nguyên liệu đầu vào...
“Đề nghị bổ sung mã HS của chủng loại thep không gỉ dạng ổng tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật vào danh mục áp dụng của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN”, các doanh nghiệp kiến nghị.
Bài toán không lời giải cho doanh nghiệp
Đáng nói nhất, danh mục thép không gỉ thuộc phạm vị điều chỉnh QCVN20:2019/BKHCN vừa ban hành là danh mục của thép không gỉ dạng nguyên liệu. Trong khi đó, đại đa số sản phẩm thép không gỉ đang lưu thông trên thị trường là dạng thành phẩm, được các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra từ nguyên liệu thép không gỉ. Có thể kể đến các sản phẩm như bồn nước Sơn Hà, Tân Á; đồ da dụng Sunhoues, Gold Sun...
"Việc kiểm soát chất lượng đối với nguyên liệu nhập khẩu khi áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN, trong khi chưa đưa ra biện pháp kiểm soát chất lượng của thành phẩm, sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu sẽ là bài toán không lời giải dành cho toàn bộ các nhà sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam", các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành thép không gỉ lo ngại.