Các đại biểu, doanh nghiệp trao đổi về xây dựng hệ thống và trung tâm logictics tại vùng KTTĐ miền Trung với ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (bên phải). Ảnh: Hà Minh |
Mức phí quá cao và vô lý
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Logistics PORTSERCO Đà Nẵng nêu lên một số vấn đề khiến chủ tọa là ông Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TS Trần Du Lịch, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, ông Ông Lê Duy Hiệp-Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam) phải xôn xao và các doanh nghiệp làm logistics thì đồng tình là mức phía sử dụng kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực logistics quá cao và quá vô lý.
Ông Dũng dẫn chứng, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) là một xe container 20 feet đi qua phải trả 600.000 đồng; 1 triệu đồng/xe container 40 feet và tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) thu 2 triệu đồng/xe container 20 feet và 3 triệu đồng cho xe container 40 feet, nếu thanh toán cho cả chiều xe chở thùng rỗng nữa thì phí tăng cao hơn.
Không những vậy, từ Đà Nẵng chở một container đi KCN Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) chưa đầy 70km mà phải nộp phí đường ở 2 trạm thu phí là 760.000 đồng; chở đi KKT Chu Lai (Quảng Nam) cũng số km tương tự mà đóng 720.000 cho 2 trạm thu phí (kể cả chở hàng đi và chở thùng rỗng về).
Vì vậy, để bù lại chi phí, tại TP Đà Nẵng, theo ông Dũng, nên có chính sách ưu đãi về thuế và giá cho thuê đất đối với các doanh nghiệp logistics, giá cho thuê đất hiện nay là 35.000 đồng/m2 cộng với tiền bỏ ra đầu tư hạ tầng sẽ đội giá kho bãi.
Đồng quan điểm trên, ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Đà Nẵng bổ sung thêm: Chi phí logistics ở Việt Nam chiếm chừng 25% tổng GDP cả nước, trong khi đó chi phí giao nhận kho vận chiếm 20% tổng giá thành sản phẩm là quá cao so với tỷ lệ này tại các nước phát triển tương ứng là 7% và 12%.
TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm nghiên cứu phát triển Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung đưa ra có số cụ thể hơn: “Mỗi năm dịch vụ logistics thu về hàng chục tỉ USD. Trong nước, có hàng ngàn doanh nghiệp làm logistics nhưng doanh thu chỉ trên 10%, còn doanh nghiệp nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chiếm tới 85% doanh thu”.
Ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam) thì cho biết theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới cung cấp thì chi phí cho logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20,5% GDP. Ông Hiệp kết luận: chi phí cao dẫn đến tổng sản lượng hàng hóa qua cụm cảng miền Trung (khoảng 20 cảng) năm 2014 chỉ đạt 55,5 triệu tấn, chiếm 13% thị phần cả nước, trong đó sản lượng hàng container chỉ chiếm 2,8% thị phần cả nước.
Kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia logistics
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT tính toán sơ bộ rằng, Logistics liên quan đến hiệu quả ít nhất là 7 Bộ, trong đó có: Bộ GTVT, Công thương, Kế hoạch-Đầu tư, Tài Chính, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Nội Vụ… Nhưng theo ông Công, thực chất, thời gian qua chỉ có Bộ Công thương và GTVT, Bộ KH-ĐT tham gia tích cực, các Bộ khác còn khá mờ nhạt.
Hiện nay, khu vực miền Trung có nhiều cảng biển đang triển khai dịch vụ Logistics, trong đó có cảng Tiên Sa, Đà Nẵng |
Lý giải về doanh thu từ logistics còn thấp, Thứ trưởng Bùi Văn Công thừa nhận là do vai trò quản lý nhà nước của logistics còn rất hạn chế, nhất là về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nguồn nhân lực còn hạn chế, áp dụng khoa học công nghệ còn kém, quy mô của logistics còn nhỏ, thể chế chính sách không đầy đủ, không đồng bộ, còn chồng lên nhau.
Đặc biệt, quan niệm của các doanh nghiệp thương mại, của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với vai trò của logisctics còn nhiều hạn chế. Họ chưa tin tưởng, chưa sử dụng dịch vụ này nên lĩnh vực thuê ngoài rất ít nên chi phí tương đối cao. Bên cạnh đó là tập quán mua ship bán post của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của logistics.
Về phía Bộ GTVT, xác định tầm quan trọng của mình trong phát triển logisctics, đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cập nhật các nội dung này đưa vào xây dựng các chiến lược quy hoạch và sau đó đầu tư hạ tầng làm sao cho hiệu quả nhất.
“Bộ GTVT cũng đã xây dựng đề án phát triển logistics trong lĩnh vực vận tải đã triển khai nhiều năm nay, nhất là phát triền khu vực gọi cảng cạn. Cảng cạn với vai trò na ná như là các trung tâm logistics. Gần đây, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phân loại trong Trung tâm logistics loại 1 có cảng cạn. Cảng cạn có vai trò quan trọng trong phát triển cảng biển nói riêng và giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó, nhận thấy vai trò quản lý nhà nước đối với logistics còn mờ nhạt nên đã nhiều lần làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia logistics do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban nhưng vẫn chưa được chấp thuận” Thứ trưởng Công cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Công thì đánh giá của WB chi phí cho logistics quá lớn nên Bộ GTVT đang tái cơ cấu ngành vận tải, các ý thức vận tải. Hiện bộ GTVT đã có 5 đề án lĩnh vực triển khai tái cơ cấu cùng một lúc. Trong đó có đề án kiểm soát phương tiện để giảm giao thông đường bộ, triển khai các loại hình giao thông khác như: đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng hải kéo chi phí thấp hơn và đã có hiệu quả đáng kể.