Cơ hội vàng xây dựng hệ thống logistics bền vững
Sở hữu bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế kết hợp với các khu kinh tế ven biển, trung tâm du lịch, trung tâm công nghiệp ô tô, điện khí và lọc hóa dầu; là điểm cuối Hành lang kinh tế Đông - Tây… nhưng miền Trung vẫn chưa có bứt phá rõ rệt.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2015 - 2016 một lần nữa nhắc lại vị trí đặc biệt quan trọng của Vùng. Nằm ở trung bộ của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam, nên miền Trung giữ vai trò quan trọng cả về an ninh - quốc phòng lẫn kinh tế - xã hội, bởi thế, việc xây dựng hệ thống logistics là vấn đề sống còn của sự phát triển.
Sở hữu nhiều cảng biển nước sâu có thể đón tàu trọng tải lớn, lại nằm gần các hải phận quốc tế, khu vực miền Trung hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống logistics phát triển bền vững. Ảnh: H.T |
Quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.
Theo ông Thơ, với 4 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Phú Bài, hệ thống cảng biển nước sâu cho tàu tải trọng lớn, nằm gần hải phận quốc tế như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, trong thời gian tới sẽ có thêm cảng Liên Chiểu đang được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), là cơ hội vàng để Đà Nẵng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng hệ thống logistics phát triển bền vững.
Thấu hiểu những trăn trở của Vùng và nhu cầu cần kíp phát triển dịch vụ logistics, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Không nên xác định vai trò của ngành logistics như một ngành dịch vụ đơn thuần. Điểm nhấn đặc biệt ở đây chính là vai trò của hệ thống logistics trong nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao đang bước vào hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn cầu hóa”.
Logistics là điều kiện bảo đảm quan trọng bậc nhất cho việc phát huy tiềm năng tăng trưởng to lớn đó của Vùng và của cả nền kinh tế, muốn vậy, theo ông Trần Đình Thiên, Vùng cần giải quyết các tuyến vấn đề như: xác lập tầm nhìn phát triển hay “sứ mệnh” cho ngành logistics; đánh giá các điều kiện cơ bản để phát triển logistics của Vùng.
“Logistics không còn là lĩnh vực mới mẻ và xa lạ. Xét tổng thể, đây thực sự là lĩnh vực mang đậm chất “đầu tư mạo hiểm”, chứa đầy thách thức và nhu cầu khám phá”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các khu logistics phát triển cần được gắn liền với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, ga hàng hóa đường sắt để thúc đẩy dịch vụ logistics tích hợp, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô và theo phạm vi.
Tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên phát triển trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) theo mô hình PPP của Đà Nẵng đề xuất là hợp lý và xác định Khu Logistics tại Hòa Nhơn là trung tâm logistics hạng I của cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Thành lưu ý, trong việc triển khai mô hình PPP để đầu tư Trung tâm Logistics Hòa Nhơn thì UBND TP. Đà Nẵng nên thuê tư vấn quốc tế độc lập để làm nghiên cứu khả thi và thiết kế mô hình PPP cụ thể. Từ đó, xác định rõ phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP và tích hợp vào mô hình PPP do tư vấn xây dựng; đảm bảo cho tư vấn thực hiện nghiên cứu khả thi một cách khách quan.
Về mức phí cho các loại dịch vụ, PGS-TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam thuộc loại cao, chiếm khoảng 25% GDP; trong khi tại các nước phát triển chỉ chiếm từ 9-15%. Chi phí logistics quá cao sẽ làm hàng hóa xuất - nhập khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh.
Do vậy, trước tiên là phải tìm cách giảm chi phí logistics xuống mức 10-15% như thông lệ quốc tế, đồng thời, đa dạng nguồn vốn đầu tư. “Điều kiện phát triển hệ thống và trung tâm logistics vùng là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin… nên cần lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Bên cạnh vốn ngân sách, cần đặc biệt có cơ chế, chính sách hợp lý, hấp dẫn, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia logistics, ông Tô Văn Hiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Saigonship Đà Nẵng phát biểu: “Những năm gần đây, ngành logistics đã được quan tâm cả về mặt lý luận và hành động cụ thể từ Nhà nước. Tuy nhiên, về hiệu quả thì chưa ghi nhận một sự cải thiện đáng kể nào trong các tiêu chí hình thành nên Chỉ số hoạt động logistics (LPI)”.
Ông Hiệp dẫn chứng, năm 2016, xếp hạng LPI của Việt Nam tụt xuống thứ 64 so với mức 48 của năm 2014. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp logistics miền Trung phần lớn phát triển rời rạc, quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, hợp tác.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, TS. Dương Đình Giám (Hội Kinh tế Việt Nam) và Ths. Đặng Đình Đức (Trung tâm Tư vấn - Nghiên cứu phát triển miền Trung) nhận định, dù có xung đột về thu hút đầu tư do đều có tiềm năng, thế mạnh gần như nhau, nhưng các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bước đầu đã thống nhất hợp tác để kết hợp thế mạnh của từng địa phương thành thế mạnh chung của Vùng (nhất là trong liên kết trong phát triển du lịch), vừa phân công mỗi địa phương sẽ lựa chọn những thế mạnh nổi trội của mình để phát triển công nghiệp, như: Thừa Thiên Huế phát triển mạnh ngành dệt may, da giày; Đà Nẵng - trung tâm của Vùng, sẽ phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, tin học; Quảng Nam sẽ phát triển thành trung tâm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô, xe máy; Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và cơ khí nặng; Bình Định phát triển công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu thủy sản, chế biến sâu quặng titan; Khánh Hòa tập trung phát triển ngành cơ khí đóng tàu…
Để phát huy hiệu quả tính thống nhất trong liên kết, phát huy lợi thế các ngành hàng trong phát triển công nghiệp và logistics, GS-TS. Nguyễn Kế Tuấn, Trường đại học Kinh tế quốc dân góp ý, cần hoàn thiện thể chế phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương; Đổi mới công tác quy hoạch phát triển vùng; Xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng; Đa dạng hóa các nội dung, hình thức và chủ thể liên kết phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi địa phương, mỗi vùng và giữa các vùng.
Trong khi đó, GS-TS. Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, để phát triển logistics, cần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ về kết cấu hạ tầng logistics và trung tâm logistics, đặc biệt là vai trò và vị trí của các trung tâm logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế vùng. Đồng thời, sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện nay còn yếu và thiếu về cả số lượng và chất lượng là ý kiến của ông Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Để đáp ứng nhân lực logistics, theo ông Nam, cần gia tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực logistics từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn khu vực và cải tiến nội dung, chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực logistics từ phía cộng đồng doanh nghiệp.