Việt Nam là thị trường chiến lược
Hiện nay, khi dân số Nhật Bản tăng chậm và dần già đi, tiêu thụ trong nước bão hòa, thì việc mở rộng sản xuất, kinh doanh sang thị trường nước ngoài là khuynh hướng có tính chất sống còn đối với ngành thực phẩm ở Nhật Bản. Trong bảng xếp hạng 10 tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới, có 4 cái tên đến từ Nhật Bản đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu, đó là Kirin Holdings, Suntory Holdings, Asahi Breweries và Ajinomoto Co.,Inc. Ngoài ra, người tiêu dùng đã rất quen với những cái tên như Acecook, Yakult, Calpis.
Giờ đây, đến lượt các tên tuổi vừa và nhỏ của Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp nước này thông qua Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) để tìm hiểu thông tin liên quan đến thực trạng ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu thông tin về ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam để đầu tư |
“Chúng tôi đang cố gắng tạo dựng những cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản gặp trực tiếp các doanh nghiệp ngành thực phẩm của Việt Nam. Hai bên có thể trao đổi thông tin để tiến tới hợp tác trong lĩnh vực này”, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết tại Hội nghị Phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam diễn ra mới đây, do Văn phòng JETRO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức.
Theo ông Kitagawa Hironobu, thông tin về ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam hiện còn sơ sài và chưa được cập nhật. Trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản cần nắm rõ những thông tin đó để quyết định chiến lược kinh doanh của họ ở Việt Nam.
Ông Saka Hrumi, đại diện Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Nhật Bản cho biết, để liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, cần có những buổi đối thoại hợp tác. Kể từ năm 2014 đến nay, hai bên đã 3 lần tổ chức đối thoại. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đối thoại ngày càng tăng. Cụ thể, lần thứ nhất có 11 doanh nghiệp, lần thứ hai có 25 doanh nghiệp, lần thứ ba có 51 doanh nghiệp.
“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là thị trường chiến lược để mở rộng kinh doanh”, ông Saka Hrumi nói.
Hé lộ các kế hoạch
Ông Itokimihiro, Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường nước ngoài của Công ty VegeHeart, cùng với 13 doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm Nhật Bản đến Việt Nam tuần này để tìm hiểu thực trạng công nghiệp ngành thực phẩm.
“Chúng tôi có kế hoạch thành lập chi nhánh nước ngoài đầu tiên của thương hiệu rau VegeHeart tại Việt Nam. Từ chi nhánh này, chúng tôi sẽ mở rộng ra khu vực châu Á, hướng tới thành lập tập đoàn VegeHeart”, ông Itokimihiro cho biết.
Các sản phẩm rau của công ty này chủ yếu là rau hữu cơ như: rau cải mù tạt, xà lách, rau chân vịt, rau mầm, ngô ngọt...
Trong khi, Công ty cổ phần Tokai Kasei, với hơn 40 năm kinh doanh và đang chiếm thị phần số một Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu bằng nhựa chuyên dụng trong nông nghiệp và làm vườn, cũng đến Việt Nam để quảng bá sản phẩm, khai thác thị trường.
Ông Aoki Juichi, Trưởng phòng kinh doanh của Tokai Kasei cho biết, công ty ông muốn tìm các nhà sản xuất về hạt giống và cây trồng để mở đại lý kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đến nông dân. “Khi xác định được quy mô thị trường, số lượng sản phẩm có thể tiêu thụ, Công ty sẽ thành lập văn phòng đại diện, xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam”, ông Aoki Juichi nói.
Hay như Công ty Wagoen Group cũng đến Việt Nam để chia sẻ mô hình kinh doanh về công nghệ trồng rau kiểu Nhật tại Thái Lan. Công ty này cũng đang hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp này, sản phẩm Nhật có lợi thế là chất lượng tốt, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay được cộng thêm lợi thế giảm giá thành nhờ giảm thuế nhập khẩu, vì Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định thương mại song phương, đồng thời Việt Nam và Nhật Bản còn là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Những thuận lợi trên sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của Nhật Bản tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để điều này thành sự thật, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm vấn đề lưu thông hàng hóa, tham gia chuỗi phân phối, cập nhật và phân tích các số liệu thị trường chính xác hơn. Đặc biệt, với những thực phẩm hữu cơ nên tập trung phân phối bán lẻ ở chuỗi các cửa hàng tiện ích. Hiện sức mua của người Việt tại các cửa hàng tiện ích, tạp hóa và chợ chiếm đến 80%, chỉ 20% thuộc về các siêu thị, trung tâm thương mại.