Viễn thông - Công nghệ
Doanh nghiệp thương mại điện tử hội tụ về mô hình bền vững
Nguyễn Huyền - 29/03/2023 10:13
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hiện mới ở giai đoạn khởi đầu của hành trình phát triển bền vững, cần có chiều sâu và mang tính tích hợp hơn về hệ sinh thái nói chung.
Ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam phát biểu tại diễn đàn về chuyển đổi số do Báo Đầu tư tổ chức

Trụ cột cho phát triển bền vững

“Thời gian tới, các doanh nghiệp TMĐT cần nâng cấp sự hiểu biết về người dùng lên mức sâu sắc và tinh tế hơn, để mang đến cho khách hàng nhiều giá trị hơn, bởi nếu chỉ thu hút khách hàng dựa trên voucher, khuyến mãi, thì sẽ không bền vững”, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói trong sự kiện công bố Báo cáo TMĐT Việt Nam 2023 với chủ đề “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Lazada Việt Nam phối hợp thực hiện.

Không chỉ giới hạn trong giảm phát thải ra môi trường, Báo cáo trên đã giới thiệu một khái niệm mới của TMĐT phát triển bền vững, với 4 trụ cột chính: phát triển kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Về phát triển kinh doanh bền vững, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, các doanh nghiệp cần gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ, thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng trên nền tảng, mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng, thanh toán kỹ thuật số cũng như quản lý tài chính bền vững, tối ưu thu nhập, chi phí, bảo vệ tài sản…

Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, Báo cáo nhấn mạnh, hệ thống logistics hiệu quả sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp TMĐT, giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, cũng như gia tăng trải nghiệm mua sắm. Hiện chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức cao (chiếm 10-20% giá thành sản phẩm), trong khi con số này ở các nước tiên tiến chỉ khoảng 7-9%. Cần phải áp dụng các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ trước - trong - sau giao hàng nhằm tăng hiệu suất, tối ưu chi phí cho toàn chuỗi, giảm phát thải ra môi trường.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, TMĐT Việt Nam đang thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng so với nhu cầu của thị trường. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) ghi nhận, mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành TMĐT được đào tạo chính quy, 55% được đào tạo từ những ngành khác, nhưng có liên quan đến TMĐT, như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin.

Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu cao trong nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo đối với ngành TMĐT. Quyết định số 645/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra 2 mục tiêu: đạt tỷ lệ 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT từ năm 2025 và một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Về phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các nền tảng mua sắm trực tuyến vào năm 2022 đã giảm so với năm trước, thể hiện qua sự sụt giảm Điểm số quảng cáo ròng (NPS) của các nền tảng TMĐT hàng đầu. Đối với Việt Nam, NPS năm 2022 ở mức 41%, giảm so với mức 65% của năm 2021. Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm thông minh hơn; tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế hơn và mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thông thường.

Vì vậy, các doanh nghiệp TMĐT nên đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ trong từng “điểm chạm” trên hành trình mua sắm của khách hàng, bao gồm shoppertainment, cá nhân hóa, công nghệ thực tế ảo...

Hội tụ về mô hình bền vững

Ông Đặng Anh Dũng cho rằng, sự chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững sẽ giúp cả hệ sinh thái được hưởng lợi, từ doanh nghiệp TMĐT đến nhà bán hàng và người tiêu dùng, tạo ra tác động kép và sức mạnh cộng hưởng cho sự phát triển lâu dài. Kết quả có thể được nhìn rõ hơn trong 3-5 năm nữa.

Khoảng 10-20 năm trước, có sự chuyển đổi lớn từ mô hình mua bán tại chợ truyền thống sang bán lẻ hiện đại các siêu thị, TTTM. Giai đoạn đầu, người ta chỉ đến siêu thị và TTTM để nhìn ngắm, vì điều hòa mát, chứ không mua sắm. Tuy nhiên, hiện nay, bán lẻ hiện đại đã trở thành một phần tất yếu của đời sống hằng ngày, mọi người vào đó mua đủ thứ.

“Trong 3-5 năm nữa, TMĐT cũng sẽ cung cấp một giải pháp gần như y hệt. Đây là sự chuyển dịch lớn, đòi hỏi phải chuyển hóa từ mô hình “thô”, từ những thu hút mang tính nhất thời thành đáp ứng nhu cầu mua sắm mang tính lâu dài hơn của người dùng”, ông Dũng lập luận.

Với các doanh nghiệp TMĐT, việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững không chỉ xảy ra trong 1-2 tháng, hay 1-2 quý. Đó là sự phát triển đồng bộ, lâu dài ngay từ triết lý kinh doanh, tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi. Sự khác nhau giữa một công ty phát triển bền vững với một công ty không bền vững nằm ở sự đồng bộ này. 

Trên thị trường hiện nay, một số doanh nghiệp phát triển rất nóng, rất rầm rộ, mà theo ông Dũng, là đang đi lại con đường mà Lazada đã đi cách đây khoảng 7 năm. Hướng đi này có thể tạo ra một sự choáng ngợp nhất định về mặt tăng trưởng, nhưng đến một lúc, doanh nghiệp sẽ hội tụ về mô hình phát triển bền vững hơn. Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng cũng không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững. Những đầu tư ngắn hạn sẽ cho kết quả ngắn hạn, những đầu tư cho bền vững sẽ giúp doanh nghiệp đi lâu bền.

Tin liên quan
Tin khác