Doanh nghiệp
Doanh nghiệp trở lại thị trường: Thước đo mới của môi trường kinh doanh
Khánh An - 15/01/2025 12:53
Sự thành công của Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh năm nay sẽ được đo bằng sự trở lại, mạnh hơn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang rất cần tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh ảnh: đ.t

Khó khăn của doanh nghiệp hiện diện trong Nghị quyết 02

Nghị quyết 02/2025/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã trở thành phiên bản thứ 11 của nghị quyết thường niên về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm thứ 3, kể từ năm 2022 (trừ năm 2023), tăng nhanh số doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là một trong những mục tiêu cụ thể của nghị quyết này.

Cụ thể, Nghị quyết 02 đặt mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.

Về tỷ lệ, không có sự khác biệt so với năm 2024, nhưng nếu so với kết quả thực hiện năm 2024, thì mục tiêu này không hề dễ dàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường năm 2024 là 233.400, tăng 7,1% so với năm 2023. Số doanh nghiệp rút lui là 197.900, tăng 14,7% so với năm 2023. Tỷ lệ này năm 2023 so với năm trước đó là 4,5% và 20,6%.

Các nhóm giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/2025/NQ-CP

- Tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư.

- Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

- Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính, bao gồm các thủ tục hành chính nội bộ. Tăng trách nhiệm giải trình, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

- Rà soát, giảm số lượng các hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

Quy mô vốn trung bình của một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 cũng có xu hướng giảm, đạt 9,8 tỷ đồng, so với trung bình giai đoạn 2018-2023 là 13,7 tỷ đồng. Tình hình tương tự với số lao động trung bình trong một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, năm 2024 là 6 người, trong khi trung bình giai đoạn 2018-2023 là khoảng 8 người.

“Rõ ràng, doanh nghiệp rõ ràng vẫn rất khó khăn. Năm 2024, số lượng doanh nghiệp tăng thêm chỉ khoảng 35.500 doanh nghiệp, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017, thấp hơn các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.

Đặc biệt, ông Cung cho rằng, hiện trạng này đang gửi đi thông điệp về những cải thiện môi trường kinh doanh vừa qua chưa đủ để khỏa lấp những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến doanh nghiệp dè dặt hơn.

Cũng phải nói thêm, bên cạnh tỷ lệ tăng, giảm doanh nghiệp không đạt mục tiêu, năm 2024, một số xếp hạng của Việt Nam cũng giảm bậc. Ví dụ, Năng lực phát triển du lịch xếp thứ 59, giảm 3 bậc so với năm xếp hạng trước đó (năm 2021); Quyền tài sản xếp thứ 85, giảm 1 bậc so với năm 2023, không đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.

Trong Nghị quyết 02/2025/NQ-CP, đây là các vấn đề được xác định cần chú trọng triển khai cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lời giải cho sự trở lại của doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 02/2025, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, áp lực thực hiện mục tiêu về gia tăng số lượng doanh nghiệp là có.

“Nhưng thước đo của nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, của chất lượng môi trường kinh không gì tốt hơn là sự gia tăng số lượng cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chọn mục tiêu cao cũng để thúc đẩy việc thực thi các giải pháp của năm nay, nhiều giải pháp cũng không dễ dàng”, bà Thảo bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, bệ đỡ cho các giải pháp khó năm nay lại rõ ràng, vững vàng hơn cả.

Trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 02/2025/NĐ-CP, các yêu cầu thực thi được liệt kê chia tiết. Đó là kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo…

Đáng chú ý, trong yêu cầu tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bên cạnh các chỉ đạo thường thấy, như sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…, Nghị quyết 02/2025/NQ-CP nhấn mạnh các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đó là thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế xin - cho.

Cụ thể hơn, quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; tổ chức đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…

Cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật…. cũng sẽ là giải pháp trong năm nay.

“Tôi tin là cách làm mới sẽ tạo nên những kết quả tích cực thực sự”, bà Thảo kỳ vọng.

Theo kế hoạch, trước ngày 20/1/2025, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành và gửi chương trình, kế hoạch hành động về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và đơn vị chủ trì thực hiện phải được xác định rõ.

Tin liên quan
Tin khác