Với việc nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho khai thác mỏ, các doanh nghiệp ngoại mong chờ công nghệ của mình sẽ được lựa chọn để phục vụ ngành công nghiệp này của Việt Nam trong tương lai. |
Đây là thông tin đưa ra trong cuộc họp về triển lãm này vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo ban tổ chức, tỷ lệ 80% doanh nghiệp ngoại trong tổng số doanh nghiệp tham gia triển lãm này cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang khá quan tâm tới thị trường khai thác khoáng sản của Việt Nam. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn như Fong Chuan Machinery, Germanbelt, Hamakyu, Mine Arc Systems, MDJ Electronic, Nippon Eirich, Tsurumi Manufacturing, Vinza, Weir Minerals… đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Anh, Séc, Đức, Nga, Singapore, Trung Quốc và Úc.
TS. Lê Tiến Dũng, Giảng viên môn khai thác hầm mỏ, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cho rằng không khó để lý giải vì sao các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới thị trường khai thác khoáng sản Việt Nam.
“Khoáng sản Việt Nam có nhiều loại nhưng than là tài nguyên lớn nhất với nhiều bể than lớn, trong đó tập trung nhiều nhất ở Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng. Bể than ở Quảng Ninh có chất lượng tốt nhất với trữ lượng đạt trên 3 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh chủ yếu là mỏ lộ thiên nhưng riêng bể than sông Hồng, tính đến chiều sâu 1.700 m có tài nguyên trữ lượng đạt 36,96 tỷ tấn, nếu tính đến độ sâu 3.500 m thì dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn. Do đó, khai thác được tài nguyên này cần công nghệ rất hiện đại”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhận định, mặc dù công nghệ khai thác của Việt Nam đã được nghiên cứu đưa vào áp dụng đạt khá nhiều thành tựu nhưng khai thác than vẫn đối mặt nhiều thách thức trong tự động hóa sản xuất, lượng nước ngầm tăng, cường độ khai thác trên bờ lớn, hệ số bóc đất đá ngày càng lớn…. Do đó, việc khai thác than thời gian tới đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác an toàn, tối đa tài nguyên.
Ông Ba cũng cho biết, trong kế hoạch phát triển tới 2030, Vinacomin sẽ đóng cửa nhiều mỏ than khai thác lộ thiên và tăng thêm nhiều mỏ khai thác dưới dạng hầm lò để đảm bảo phát triển bền vững.
Đứng trước tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia Triển lãm Mining 2018 lớn hơn so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhiều ý kiến đặt lo ngại, Trung Quốc đang chuyển công nghệ thấp trong khai thác sang thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến khác cũng đặt lo ngại, trong khi các quốc gia khác đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo thì liệu Việt Nam có đang mở ra nhiều cơ hội cho việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch để phát triển không.
Trả lời những lo ngại này, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM Việt Nam (Đơn vị tổ chức Mining Vietnam 2018) khẳng định: “Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có hướng đi đúng đắn trong định hướng khai thác năng lượng. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển, bài toán chặn ngay việc không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch là điều không thể làm ngay được. Điều này xảy ra ở nhiều quốc gia, không chỉ có Việt Nam. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên ngày càng đòi hỏi công nghệ tiên tiến vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường. Tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào triển lãm này lớn rất dễ lý giải, một phần do Trung Quốc gần Việt Nam về khoảng cách địa lý, một phần do các doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy, Việt Nam có nhiều mặt tương đồng với họ về khai thác khoáng sản”, ông Tee nói.
Được biết, trong khuôn khổ triển lãm này cũng sẽ diễn ra các hội thảo chuyên ngành như: Hội nghị kỹ thuật khu vực với chủ đề “Đánh dấu bước đột phá và tính bền vững của nền công nghiệp khai khoáng”; Hội thảo “Những tiến bộ trong khai thác mỏ và xây dựng công trình ngầm”; Hội thảo “Ứng dụng và Triển khai sản phẩm và công nghệ tiên tiến cho quản lý và khai thác, chế biến trong ngành mỏ” kết hợp cùng Triển lãm Building and Construction Vietnam liên quan tới những kỹ thuật và giải pháp phục vụ ngành xây dựng.