Đồng loạt bổ sung công suất năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện 8
Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn và vẫn đang tiếp tục được bổ sung vào quy hoạch điện. Tuy nhiên chính từ đây cho thấy một vấn đề quan trọng hơn đó là phụ tải cho các dự án đang hoạt động và đang được xem xét đưa vào quy hoạch. Luật Điện lực (2004) quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có những quy định cụ thể như là Nhà nước độc quyền những công đoạn nào trong hoạt động truyền tải điện. Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp với việc phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong thời gian vừa qua.
Đây chính là một trong những bất cập mà Bộ Công Thương nêu ra trong đề xuất cần thiết sửa đổi quy định Luật Điện lực và đặt vấn đề về việc truyền tải tư nhân.
Đề xuất các thành phần kinh tế được tham gia truyền tải điện
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội sáng 8/12, Bộ trưởng Bộ công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với nội dung sửa đổi Luật điện lực, dự thảo quy định theo hướng “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ”.
Theo đó, các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) cho phép tư nhân tham gia.
"Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam 400 MW kết hợp Trạm biến áp và đường dây 450MVA/500kV, đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500KV Pleiku - Di Linh đã đi vào vận hành |
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư truyền tải điện
Năm 2020, công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận được xây dựng và đi vào hoạt động. Đây là dự án nhà máy điện kết hợp hệ thống truyền tải Quốc gia với cấp điện áp 500 kV đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.
Công trình này được thực hiện cùng với dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 450 MW, kể từ đó Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV này trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống truyền tải điện của tỉnh, dự án truyền tải cho phần lớn các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận hiện nay. Góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trạm biến áp dự án Nhà máy điện gió Ea Nam sở hữu 02 máy biến áp 500 kV/225 MVA |
Cho đến nay, công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV này cũng là dự án truyền tải duy nhất của tư nhân đang hoạt động.
Sau 1 năm vận hành ổn định, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 2,5 tỷ kWh, con số này cho thấy tầm quan trọng của dự án trong thành công đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và việc tư nhân hoàn toàn đảm nhận được việc xây dựng các trạm biến áp, đường dây truyền tải, đồng hành cùng chính phủ hướng đến mục tiêu xanh hóa nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.