Về vấn đề chuẩn bị nguồn cung vắc-xin, ngày 21/5, Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19 tiếp nhận 100 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại Vietcombank, Viettinbank, BIDV và Agribank thông qua sự vận động của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế cho biết đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vắc-xin. |
Cùng ngày, Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, Tập đoàn Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sự hỗ trợ của ngành ngân hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế cho biết đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vắc-xin. Đến nay, đã có khoảng 110 triệu liều vắc-xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm nay, gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Đồng thời, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Trước đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động các nguồn tài trợ và đóng góp bên cạnh ngân sách Nhà nước.
Ước tính tổng nhu cầu kinh phí khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 21.000 tỷ đồng là kinh phí mua vắc-xin còn lại là kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.
Dự kiến ngân sách trung ương phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại do ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức.
Với 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer theo thoả thuận được cung cấp cho Việt Nam vào Quý III và Quý IV năm 2021, theo Cục Quản lý hàng hóa trị liệu (TGA), Chính phủ Australia, vắc-xin được thử nghiệm nghiêm ngặt và đánh giá an toàn.
Cụ thể, theo TGA, nhờ tăng khoản tài trợ cho việc nghiên cứu vắc-xin và số lượng tình nguyện viên rất đông cho các cuộc nghiên cứu đã giúp hãng dược nhanh chóng bào chế được Comirnaty và các loại vắc-xin Covid-19 khác. Cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn với khoảng 44.000 người đã xác nhận Comirnaty là an toàn và công hiệu.
TGA thẩm định tất cả các loại vắc-xin tại Australia, vì vậy, điều này bảo đảm rằng loại vắc-xin này đã được chấp thuận sẽ an toàn, công hiệu và được bào chế theo tiêu chuẩn.
Theo kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng rất lớn, vắc-xin Comirnaty của Pfizer ngừa Covid-19 công hiệu ở những người từ 16 tuổi trở lên. So với người không chủng ngừa, người đã tiêm hai liều Comirnaty ít khi bị nhiễm Covid-19 khoảng 95%.
Vắc-xin này công hiệu như nhau ở người trên 65 tuổi và người bị một số vấn đề sức khỏe y tế ổn định đã bị từ trước.
Khả năng ngừa Covid-19 của vắc-xin Comirnaty bắt đầu từ khoảng 2-3 tuần sau liều đầu tiên. Dù một liều có thể ngừa một số bệnh, nhưng nhiều khi chỉ công hiệu trong thời gian ngắn. Hai liều sẽ ngừa bệnh tối ưu.
Theo Cục Quản lý hàng hóa trị liệu, không có vắc-xin nào công hiệu 100%, vì vậy, nhiều khi vẫn có thể bị bệnh do Covid-19 gây ra sau khi chủng ngừa. Hiện chưa xác định được Comirnaty sẽ công hiệu bao lâu, đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Cơ quan này cũng khẳng định, ngay cả khi không bị các triệu chứng hoặc chỉ bị các triệu chứng nhẹ, họ vẫn có thể lây bệnh sang người khác. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa khác như duy trì khoảng cách đối với người khác, rửa tay, đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 và kiểm dịch/cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
“Nếu đã được tiêm hai liều Comirnaty, người tiêm vẫn nên đi xét nghiệm Covid-19 nếu bị các triệu chứng khớp với các tiêu chí xét nghiệm mà cơ quan y tế địa phương đặt ra như sốt, ho, đau họng", TGA khuyến cáo.