Doanh nghiệp
Doanh nghiệp vẫn trông vào nhiều kiến nghị cũ
Khánh An - 03/07/2022 08:16
Chi phí hoạt động tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp trông chờ vào sự hỗ trợ cắt giảm thuế, phí của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị vẫn đang trong giai đoạn chờ được xem xét.
Nhiều năm trước, doanh nghiệp phản ứng trước việc thu phí sử dụng hạ tầng  cảng biển Hải Phòng, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi gì. Ảnh: Đức Thanh

Phí hạ tầng cảng biển đến “tai” Quốc hội

Đầu tuần này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường đã ký Văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến đường thủy nội địa.

“Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách trân trọng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức làm việc với các bên liên quan, để có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, trong đó có cân nhắc đến các vấn đề về chi phí logistics một cách tổng thể trong tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và định hướng phát triển giao thông thủy nội địa”, văn bản do ông Nguyễn Phú Cường ký ngày 27/6 viết.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có nhận xét rất cụ thể về từng vấn đề mà Hiệp hội nêu ra.

Thứ nhất, về thẩm quyền, HĐND TP. Hải Phòng và TP.HCM có thẩm quyền ban hành quy định thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mặc dù về mặt pháp lý, nội dung nghị quyết của HĐND 2 thành phố chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng từ góc độ thực tế áp dụng, việc thu phí hạ tầng với phương tiện vận tải thủy nội địa là chưa thực sự thỏa đáng.

Đặc biệt, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc TP.HCM quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

“Việc thu phí khi mở tờ khai tại TP.HCM thấp hơn so với tờ khai mở ở các tỉnh sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận có xu hướng đổ dồn về TP.HCM, dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng giữa các địa phương lân cận trong việc thu thuế xuất nhập khẩu theo dự toán đã được Trung ương giao”, văn bản của Ủy ban Tài chính - Ngân sách gửi Văn phòng Chính phủ viết.

Về tính phù hợp với Hiệp định về Vận tải đường thủy giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, lập luận của TP.HCM về việc thu phí này không trái với Hiệp định là chưa đủ vững...

Hai tháng trước, ngày 25/4, các doanh nghiệp liên quan đường thủy nội địa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội tiếp tục phản ánh bất cập của việc TP. Hải Phòng và TP.HCM thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực của cửa khẩu cảng biển không đúng đối tượng với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa. Đây cũng chính là nội dụng kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi đi suốt 2 năm qua, kể từ khi UBND TP.HCM thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển vào năm 2020, nhưng gần như chưa có được giải đáp thỏa đáng, trừ 2 lần lui thời hạn thực hiện.

Nhiều năm trước, khi Hải Phòng thực hiện thu phí này, các doanh nghiệp phía Bắc cũng có những kiến nghị tương tự, nhưng chưa thay đổi được gì.

Doanh nghiệp vẫn chờ câu trả lời

Cùng thời điểm với văn bản trên của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phải nhắc lại những kiến nghị tương tự.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị xem xét lại quy định về phí hạ tầng cảng biển, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin mới từ phía UBND TP.HCM. Rất mong Bộ trưởng ghi nhận kiến nghị và có ý kiến thúc đẩy”, ông Trương Văn Cẩm trực tiếp gửi gắm kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Việc TP.HCM và TP. Hải Phòng quy định thu thêm phí sẽ khiến chi phí logistics tăng cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang đối mặt và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.

Trong số những vấn đề doanh nghiệp đặt ra, một trong những lo ngại lớn là chi phí kinh doanh tăng cao do tác động của giá cả nguyên vật liệu đầu vào, giá nhiên liệu, chi phí logistics tăng cao. Dù việc tác động vào giá cả không nằm trong tầm với của doanh nghiệp hay của các cơ quan Chính phủ, song ông Trương Văn Cẩm cho rằng, nếu các chi phí mà doanh nghiệp đang phải tuân thủ được rà soát, đánh giá, có sự hỗ trợ cắt giảm từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, thì gánh nặng sẽ giảm đi rất đáng kể.

“Doanh nghiệp đang hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách miễn giảm thuế, phí mà Chính phủ triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau tác động của dịch bệnh. Chúng tôi tiếp tục đề nghị giải pháp hỗ trợ này, thực hiện với phí cảng biển, các quy định về chi phí công đoàn... Từ ngày 1/7/2022, theo quy định về tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn...”, ông Trương Văn Cẩm lý giải về sự xuất hiện của những kiến nghị rất cũ.

Nếu nhìn vào báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này, những đề xuất còn cũ hơn, đó là cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra, kiểm tra...

“Đây là những chi phí mà các cơ quan quản lý có thể chủ động rà soát, cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này được triển khai chậm. Giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp đang phải gánh thêm chi phí “chờ đợi” khi ở nhiều địa phương, tâm lý né tránh, giữ an toàn cho cán bộ đang chi phối”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI thẳng thắn.

Trong Văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến phí hạ tầng cảng biển nói trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, dù việc thu phí sẽ làm tăng thu cho ngân sách 2 địa phương, bù đắp một phần nhu cầu đầu tư, duy tu, bảo hưỡng, duy trì kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển, nhưng ở góc độ kinh tế, chính sách này làm tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp.

“Chi phí logistics của Việt Nam hiện đã cao hơn so với nhiều quốc gia, do đó việc TP.HCM và TP. Hải Phòng quy định thu thêm loại phí này sẽ khiến chi phí logistics tăng cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, văn bản trên viết.

Đó là chưa kể, việc áp dụng chi phí này không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa, trong khi Việt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rất có lợi thể về thủy nội địa và hiện chưa được khai thác phù hợp tiềm năng.

Nhưng Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết là chưa nhận được thông tin giải trình của TP.HCM về nội dung này.

Tin liên quan
Tin khác