Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) |
Trăn trở của đại biểu Quốc hội
Chỉ có 3 từ doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Thanh tra đang trình Quốc hội đang là điều mà đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tâm tư.
“Với doanh nghiệp, gánh nặng thanh tra rất lớn. Việc sửa toàn diện Luật Thanh tra phải giải được áp lực này, không thể chậm hơn”, ông chia sẻ về lý do quyết định bấm nút đăng ký phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông Hiếu là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiểu rất rõ về hoạt động của doanh nghiệp, về môi trường kinh doanh.
Hoan nghênh việc bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội |
Tôi rất hoan nghênh việc bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên. Bây giờ chúng ta chỉ còn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Tôi đề nghị trong bối cảnh mới, một trong những chủ trương quan trọng trong cải cách hành chính là thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Trong trường hợp như vậy, chúng ta nên có những quy định để thanh tra theo kế hoạch, phải tìm cách hạn chế đến mức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta có đủ các cơ chế, đủ cách thức để thực hiện hậu kiểm và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cho nên việc thực hiện một cách triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm phải là một tư tưởng xuyên suốt trong thiết lập hệ thống thanh tra, cũng như thực hiện các chương trình thanh tra, kiểm tra ở mọi cấp.
Ông kể, cứ mỗi khi có cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, CIEM thường nhận được nhiều kiến nghị, lo lắng của doanh nghiệp về những áp lực, rủi ro mà doanh nghiệp phải gánh chịu từ hoạt động thanh tra, kiểm tra.
“Những năm gần đây, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng gánh nặng doanh nghiệp phải gánh vẫn rất lớn”, ông Hiếu nói.
Theo khảo sát của Dự án báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào năm 2020, vừa công bố đầu năm 2021, vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra, trong số này khoảng 20% phải trả chi phí không chính thức, 14% doanh nghiệp tiết lộ là bị nhũng nhiễu, phiền hà; khoảng 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp, có khi đón tới 3 lần/năm.
Phải nói thêm, tỷ lệ trên là ở mức trung vị, nghĩa là có doanh nghiệp phải gánh nhiều hơn. Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, dường như gánh nặng gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.
Vấn đề là ông Hiếu không thấy được những đánh giá thực sự đầy đủ, sâu sắc về tình hình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với các doanh nghiệp trong hồ sơ Dự án Luật Thanh tra sửa đổi mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét.
Doanh nghiệp đang đối mặt với những gánh nặng gì?
Có vẻ vắng tên trong Dự thảo Luật, nhưng doanh nghiệp là đối tượng chủ yếu của hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Theo Dự thảo, thanh tra chuyên ngành là hoạt động xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Với định nghĩa như vậy, Dự thảo đang trao nhiệm vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực cho thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở.
So với quy định hiện hành, một bộ chỉ có 1 tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập, Dự thảo đã nới rộng hơn về tổ chức cơ quan thanh tra. Lý do được Chính phủ giải trình là nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn, nhưng do Luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều hạn chế...
Như vậy, với đặc thù của doanh nghiệp là phần lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và đa địa bàn, thì số cơ quan thanh tra mà doanh nghiệp có thể phải đón vô cùng lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) thực sự lo ngại về điều này. “Điểm mới này của Dự thảo mở quá, dễ dẫn đến các bộ, ngành thành lập các thanh tra, tổng cục tràn lan như giai đoạn trước khi có Luật Thanh tra. Tôi lo lại có chuyện chồng chéo, một cơ quan phải đón quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm...”, bà Hà bày tỏ quan điểm.
Đây cũng là nội dung các ủy viên của Ủy ban Pháp luật lo ngại khi thẩm tra Dự án luật này. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại bộ.
- Đại biểu Cao Mạnh Linh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa |
Theo báo cáo tổng kết thi hành luật, một trong những hạn chế trong hoạt động thanh tra hiện nay là còn có sự chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng thanh tra, sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra theo ngành, lĩnh vực, hoạt động thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ tiến hành được thực hiện giống như hoạt động thanh tra hành chính.
Do đó, để khắc phục các hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định như: xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra, cơ chế phối hợp xử lý khi có sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các quy định này mới chỉ là giải pháp hỗ trợ, chứ chưa có sự đột phá, chưa giải quyết được tận gốc của thực trạng như đã tổng kết, đó là: việc cần phân định rõ giữa loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, phân định phạm vi, thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra.
Trường hợp tổng cục, cục thuộc Bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó để phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh gọn bộ máy và thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị, để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ trong Luật các tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ.
Trong khi đó, thực tế, những chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra rất lớn, phải chấn chỉnh bằng nhiều văn bản, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2016, tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã có nội dung riêng về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải “theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế”.
Một năm sau đó, ngày 17/5/2017, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho các doanh nghiệp.
Mới đây nhất, năm 2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp; cơ quan thanh tra không thanh tra ngoài kế hoạch.
Kết quả tích cực của hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2020 so với những năm trước đó theo báo cáo của VCCI qua điều tra PCI chắc chắn có tác động lớn từ các chỉ đạo, điều hành trên.
Có thể bàn tới một khung khổ riêng cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội trường, góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu đề nghị: “Cần có một chương riêng về thanh tra doanh nghiệp hoặc một chương về đối tượng thanh tra là doanh nghiệp”.
Giải trình về kiến nghị này, ông Hiếu cho rằng, với đặc thù trong hoạt động của doanh nghiệp rất khác với các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính..., cũng là đối tượng của thanh tra chuyên ngành, nền cần thiết kế quy trình, thủ tục riêng.
Thứ nhất, theo ông Hiếu, doanh nghiệp hoạt động đa ngành, có tính liên tục, có những hoạt động, khó có thể hồi tố. Vì vậy, hoạt động thanh tra doanh nghiệp có nguy cơ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh bình thường, như bị đình trệ hoạt động do đối tác, bạn hàng lo ngại khả năng vi phạm quy định pháp luật; nếu bị xuất toán chi phí sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cổ đông.
“Theo tôi, hoạt động thanh tra có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chứ không chỉ là tìm sai để phạt, nên rất cần tính kịp thời trong hoạt động này. Việc thanh tra kịp thời vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư, vừa giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kinh doanh”, ông Hiếu phân tích.
Với góc nhìn này, ông Hiếu cho rằng, cần quy trình thanh tra doanh nghiệp phải có thời hiệu rõ ràng, ví dụ thời hiệu thanh tra 6 tháng, 1 năm đối với vấn đề được lựa chọn...
Đặc biệt, quy định về thanh tra doanh nghiệp cần được thực hiện theo nguyên tắc giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; quy định phải được xây dựng trên cơ cở nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
“Theo tôi, Chính phủ cần có sự chủ động trong tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong Luật về thanh tra chuyên ngành/thanh tra doanh nghiệp. Đây là việc cần phải làm ngay khi tiến hành sửa Luật Thanh tra”, ông Hiếu kiến nghị.