Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn chưa đủ điều kiện để có thể khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Trần Việt |
Manh nha
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, lượng sắt thép cả nước nhập khẩu đạt 9,91 triệu tấn, tăng 41,1% về lượng, trong khi đơn giá bình quân lại giảm 22,7%. Đặc biệt, sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc trong 8 tháng đạt gần 6 triệu tấn, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2014. Từ tình hình này, vào trung tuần tháng 9, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang chuẩn bị tài liệu để khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lý giải thêm về nguyên nhân vụ việc, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% sản lượng thép toàn cầu. Trong thời gian qua, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ xuống thấp, kèm thêm động thái đẩy mạnh XK lượng thép dư thừa nên giá thành phẩm sắt thép của nước này giảm mạnh khi tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Sưa cũng cho hay, vụ kiện hiện vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và thu thập thêm chứng cứ nên chưa thể nói cụ thể diễn biến và thời gian khởi kiện. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được chứng cứ và thấy có lợi thế thì mới thực hiện nhưng đứng trước một đối thủ “khổng lồ” với nhiều mánh khóe như Trung Quốc, công tác chuẩn bị và thực hiện phải rất thận trọng và kỹ càng.
Trên thực tế, đây không phải vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam khởi xướng. Năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ thị trường các nước và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan với nguyên đơn là Công ty TNHH POSCO VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình. Hay mới đây nhất, vào đầu tháng 9/2015, Bộ Công Thương đã chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam cùng sự đồng thuận của một số doanh nghiệp sản xuất bột ngọt khác. Theo số liệu trong đơn yêu cầu đệ trình từ Vedan Việt Nam thì kim ngạch nhập khẩu bột ngọt đã tăng mạnh trong ba năm gần đây (2012-2014), chủ yếu xuất xứ từ các quốc gia: Trung Quốc (76%), Thái Lan (13%), Ấn Độ (11%).
Còn nhiều hạn chế
Thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đi kiện vẫn quá ít so với số vụ kiện mà các thị trường nước ngoài khởi xướng điều tra và đã áp dụng biện pháp phòng vệ với Việt Nam. Tiêu biểu, chỉ ngay trong tháng 9, Việt Nam phải đón nhận thông tin về 5 vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường trong đó có Việt Nam như: Thép cuộn cán nguội của Malaysia, sản phẩm giấy màng BOPP của Indonesia hay sản phẩm tôn phủ màu, tôn lạnh, ống thép không gỉ của Thái Lan.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, công cụ phòng vệ thương mại đã được các doanh nghiệp Việt Nam biết tới nhưng nhận thức về thương mại quốc tế, thậm chí là ngôn ngữ khi giao thương với các doanh nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên không đủ nhân lực, vật lực và tài chính để nghiên cứu kỹ về vấn đề này chứ chưa nói đến chuyện đệ đơn khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp nước ngoài ngay khi có chứng cứ là họ đệ đơn khởi xướng điều tra ngay, còn các doanh nghiệp Việt Nam với kinh nghiệm non yếu nên mất nhiều thời gian chuẩn bị hơn, chưa thể theo kịp các doanh nghiệp nước ngoài.
Về vấn đề này, ông Thân Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thép Tây Đô cho biết, mặc dù có biết đến các vụ kiện phòng vệ thương mại nhưng lượng hàng XK hay phân phối trong nước đều thấp nên chưa thấy ảnh hưởng nên chưa thực sự quan tâm.
Còn theo bà Ninh Thị Bích Thùy, Giám đốc Công ty Cổ phần thép TVP, việc chống chọi với thép Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên Công ty cũng quan tâm đến vụ kiện và sẽ sẵn sàng giúp sức nếu có thể. Tuy nhiên, để tự doanh nghiệp đứng lên đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thì rất khó vì không đủ quy mô theo quy định cũng như không đủ kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện. Do đó, các doanh nghiệp cần có một đầu tàu, cần hợp sức lại dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội thì mới có thể đứng lên làm “nguyên đơn” được.
Chính vì nhiều doanh nghiệp lấy lý do nhỏ và vừa hay thiếu kinh nghiệm để khởi xướng điều tra nên vị đại diện Hiệp hội Thép cho biết, để tăng thêm nhận thức cho doanh nghiệp về vấn đề này, Hiệp hội đã phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh hay Vụ hợp tác quốc tế của một số bộ, ngành để tập huấn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng ứng phó cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngay khi có doanh nghiệp khởi xướng, thông qua Hiệp hội, các doanh nghiệp khác cũng đã nhiệt tình giúp đỡ, mặc dù chưa thể bằng các doanh nghiệp nước ngoài nhưng các doanh nghiệp trong nước đã và đang “tập” kiện lại để cân bằng, dần cải thiện vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.